28/04/2023 11:12 GMT+7

Quy hoạch hệ thống sông Hồng: Sẽ tăng nước lũ nếu tăng tỉ lệ xây dựng trên bãi sông

Việc xây dựng, sử dụng bãi sông được cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chung cho toàn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để đảm bảo không gian thoát lũ.

Quy hoạch hệ thống sông Hồng: Sẽ tăng nước lũ nếu tăng tỉ lệ xây dựng trên bãi sông - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) bắc qua sông Hồng - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng vừa ban hành quyết định 429 sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 257-2016 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (quy hoạch 257).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Công Tuyên, trưởng phòng quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh những điều chỉnh mới nhằm hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực ven sông, ven đê.

Ông Tuyên cũng nhấn mạnh đây là thời điểm nhiều địa phương đã và đang lập quy hoạch tỉnh nên các địa phương cần đưa ngay phương án phòng, chống lũ vào quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Phải đảm bảo mục tiêu phòng chống lũ trên sông Hồng

* Các địa phương đã vận dụng, thực hiện quy hoạch 257 thế nào, thưa ông?

- Ông Trần Công Tuyên: Trong quá trình thực hiện, những địa phương nào tuân thủ quy hoạch 257 thì vẫn triển khai được. Ví dụ như như cảng Yên Lệnh (Hà Nam).

Tuy nhiên, nhiều địa phương lại mong muốn tăng diện tích xây dựng hoặc đề xuất ở vị trí không đúng. Cá biệt, có địa phương xây xong trở thành vi phạm thì lại báo cáo Thủ tướng cho phép tồn tại.

Điển hình như ở Vĩnh Phúc có khu vực FLC Vĩnh Thịnh, khu vực trung tâm nhà văn hóa đa năng của FLC. Bộ có nhiều văn bản khẳng định việc xây dựng như vậy là vi phạm đê điều vì chưa thực hiện tuân thủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thẩm định, chưa trình Thủ tướng.

Khi đề nghị xử lý vi phạm thì tỉnh Vĩnh Phúc lại có văn bản báo cáo Thủ tướng là để phát triển kinh tế - xã hội và đề nghị xem xét tháo gỡ.

Với tư cách là đơn vị tham mưu thì đây là hợp thức hóa vi phạm, nên bộ không thể tham mưu đồng ý được.

Thực tế có những việc vướng về mặt khách quan, nhưng hầu hết là địa phương chưa triển khai hoặc triển khai thì không đúng quy định.

* Quyết định 429 sửa đổi, bổ sung quyết định 257 tháo gỡ khó khăn thế nào cho các địa phương?

- Quyết định 429 tập trung chủ yếu vào làm rõ nội dung quy định về quản lý, sử dụng bãi sông. Cụ thể, đối với các khu dân cư hiện có chưa có trong quyết định 257 thì sẽ cho phép địa phương rà soát để đưa vào quy hoạch tỉnh.

Theo quyết định sửa đổi, nếu địa phương nào có nhu cầu tăng diện tích ở một bãi sông nào đó thì đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng. Tuy nhiên tổng diện tích bãi sông trên địa bàn toàn tỉnh không quá 5%.

Quy hoạch hệ thống sông Hồng: Sẽ tăng nước lũ nếu tăng tỉ lệ xây dựng trên bãi sông - Ảnh 3.

Ông Trần Công Tuyên, trưởng phòng quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: C.TUỆ

Đồng thời, quyết định 429 cũng bổ sung nội dung cụ thể về hướng dẫn sử dụng bãi sông. Ví dụ làm sân golf mà đắp đồi làm ảnh hưởng không gian thoát lũ vẫn được tính là xây dựng và chỉ được xây dựng không quá 5%. Còn 95% còn lại cho phép xây dựng công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật nhưng không tôn cao bãi sông như đường giao thông, sân bóng đá, công viên,...

Việc sửa đổi lần này là tháo gỡ rất lớn, tạo điều kiện rất lớn cho các địa phương. Vấn đề quan trọng nhất là các địa phương quản lý thực hiện tốt theo quy hoạch và tuân thủ theo quy định.

Vỡ đê thì hậu quả sẽ rất nặng nề

* Được biết nhiều địa phương đã kiến nghị đề xuất điều chỉnh diện tích sử dụng bãi sông tăng lên từ 15-100%. Quyết định 429 sửa đổi, bổ sung quyết định 257 có được điều chỉnh theo kiến nghị của các địa phương?

- Thực tế khi triển khai quy hoạch 257 mong muốn được xây dựng nhiều hơn 5% diện tích bãi sông để mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Qua thống kê có 7/15 tỉnh đề xuất tăng tỉ lệ diện tích xây dựng tại các bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng từ tỉ lệ 5% lên 15% đến 100%.

Từ các đề xuất của địa phương, chúng tôi đã tổng hợp, tổ chức họp và giao cho Viện Quy hoạch thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán các đề xuất của các địa phương.

Qua tính toán sơ bộ, nếu tăng tỉ lệ sử dụng bãi sông theo đề xuất của địa phương thì sẽ làm gia tăng nước lũ trên hệ thống sông. Với diễn biến thiên tai bất thường và quy mô của nền kinh tế hiện nay, nếu để xảy ra vỡ đê thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Ví dụ sông Hồng đoạn qua Hưng Yên, nếu đồng ý theo đề xuất của địa phương thì sẽ làm gia tăng 45cm nước lũ, điều này là rất lớn. Hay có địa phương đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng bãi sông theo nhu cầu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương mình.

Với địa phương mới chỉ nhìn ở vế phát triển kinh tế - xã hội, còn không nhìn vế an toàn, phòng chống lũ.

Với cơ quan chuyên môn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán chung cho toàn hệ thống để đảm bảo không gian thoát lũ. Do đó, khi sửa quyết định 257, vẫn phải đảm bảo mục tiêu và tiêu chuẩn phòng chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là số một.

Quy hoạch sông Hồng không được tạo dự ánQuy hoạch sông Hồng không được tạo dự án

TTO - Thông tin về việc Hà Nội dự kiến lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước. Nhiều chuyên gia đồng tình với việc cần quy hoạch nhưng cũng đưa ra những cảnh báo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp