Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng - Ảnh: D.Đ.D.N
Hà Nội đang quay lưng vào sông Hồng, tất cả rác thải đều đẩy ra phía bờ sông, định hướng chung của quy hoạch đô thị sông Hồng thời gian tới là xây dựng thành phố quay mặt vào dòng sông, hướng dân cư đô thị về phía dòng sông - bà Nguyễn Lan Hương - phó giám đốc trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - cho biết tại diễn đàn bất động sản trực tuyến, hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng, do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 23-9.
Bà Hương cho biết thêm quy hoạch đô thị sông Hồng đang được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập trên không gian rộng 11.000ha, thuộc địa bàn 53 phường, xã, trải dài từ cầu Hồng Hà tới cầu Mễ Sở, của TP.Hà Nội.
Theo đó, đô thị sông Hồng được định hướng phát triển thành trục cảnh quan trung tâm đô thị, kết nối giá trị lịch sử, văn hóa với không gian đô thị hiện đại.
Quy hoạch sẽ ưu tiên quỹ đất dọc hai bên sông cho mục đích tái định cư dân sinh sống trong phạm vi lập quy hoạch. Một số bãi sông sẽ được nghiên cứu quy hoạch tái thiết đô thị, xây dựng nhà ở tái định cư, công trình công cộng, phục vụ dân cư tại chỗ và khu vực nội đô.
Các bãi sông còn lại sẽ phát triển không gian mở tùy theo địa hình, phát triển mô hình nông nghiệp sạch, chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch ven sông, bà Hương nhấn mạnh.
Theo dự thảo quy hoạch, TP. Hà Nội sẽ xây dựng 12 cây cầu để kết nối hai bờ sông Hồng, xây dựng hai tuyến đường ven sông, tạo thành hai trục giao thông song song, quy mô mỗi tuyến từ 6-8 làn xe để cải tạo không gian đô thị ven sông.
Cũng theo bà Hương, quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ hướng người dân đô thị về phía dòng sông. Đến nay, đồ án quy hoạch sông Hồng đã cơ bản hoàn thiện, đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau đó xin ý kiến Bộ Xây dựng, trước khi trình UBND TP. Hà Nội.
Cùng quan điểm này, KTS Phạm Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng Hà Nội không thể tiếp tục quay lưng vào dòng sông Hồng được nữa. Đã đến lúc thành phố cần tận dụng không gian dòng sông để phát triển.
Khi xây dựng đô thị sông Hồng, chắc chắn sẽ có những khu vực phải xây dựng nhà cao tầng để tạo điểm nhấn cho đô thị hai bên sông. Muốn vậy, phải mạnh dạn sửa Luật đê điều để mở ra không gian phát triển.
Còn theo ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần làm quy hoạch đô thị sông Hồng, đây là trục cảnh quan quan trọng nhất thủ đô, là "dải lụa xanh" giữa trung tâm đô thị. Theo dự thảo quy hoạch thì 70% diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh, 30% còn lại để phát triển đô thị.
Vấn đề lớn nhất với quy hoạch sông Hồng hiện nay theo ông Đỗ Viết Chiến - tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - là bài toán tái định cư cho 20 vạn dân trong khu vực quy hoạch.
Theo vị này, quy hoạch đô thị sông Hồng cần chỉ rõ quỹ đất mới để xây dựng đô thị hai bên sông nằm ở đâu. Từ đó, tính tới bài toán huy động nguồn lực phát triển. Nếu chỉ trông vào nguồn lực nhà nước để phát triển đô thị hai bên sông Hồng thì nhiều khả năng quy hoạch vẽ xong lại để đó.
Muốn hút nhà đầu tư bỏ tiền làm đô thị hai bên sông thì phải chỉ ra được quỹ đất để họ có thể đầu tư sinh lời. Như vậy mới huy động được nguồn lực cho phát triển, ông Chiến nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận