Dự án “siêu cống” thủy lợi lớn nhất Việt Nam, Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) giúp kiểm soát nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp đa dạng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước đó, Chính phủ cũng công bố quy hoạch với mục tiêu phát triển vùng thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả của quốc gia, khu vực.
Đây là lần đầu tiên một quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng được Chính phủ thông qua với định hướng liên kết, phát triển rõ ràng cho tương lai 10 năm và xa hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Công Thắng - viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - cho rằng đây là quy hoạch mở, không quá khắt khe và xác định cụ thể việc nuôi trồng bao nhiêu con này, cây kia, nhưng định hình rõ ràng không gian phát triển vùng trong giai đoạn sắp tới. Điều này góp phần tạo lập hình hài của vùng đồng bằng trong tương lai, với vị thế trung tâm nông nghiệp của khu vực.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của quy hoạch này với phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL, thưa ông?
- Có thể nói quy hoạch này kèm theo ưu tiên đầu tư của Chính phủ sẽ giúp ĐBSCL tiếp tục cất cánh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân và bà con nông dân của vùng ĐBSCL.
Ở góc độ nông nghiệp, quy hoạch đã chỉ ra rất rõ là "Phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu", cùng với đó quy hoạch cũng đưa ra nhưng kế hoạch phát triển rất cụ thể, đặc biệt là các trung tâm đầu mối đặt tại các địa phương.
Quy hoạch vùng ĐBSCL trong 10 năm tới cũng đặt ra những mục tiêu phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, đưa ra định hướng phát triển rõ ràng, tính liên kết 13 địa phương trong vùng tăng lên, cả vùng sẽ là một khối thống nhất chứ không đơn thuần là cộng dồn với nhau như hiện nay. Điều này sẽ tránh được sự trùng lắp trong phát triển.
TS Trần Công Thắng
Cần phải chú ý vấn đề môi trường bởi chúng ta có thể sẽ phải chịu sự ô nhiễm gia tăng, hoạt động phi nông nghiệp không phát triển mạnh tại địa phương sẽ dẫn tới tình trạng ly nông ly hương ngày càng tăng. Hệ thống nông nghiệp có thể bị phá vỡ nếu đầu tư không đi cùng hỗ trợ phát triển với những chuyển đổi nông nghiệp nhanh chóng do tác động của biến đổi khí hậu và của thị trường.
Ông TRẦN CÔNG THẮNG
* Ông dự báo thế nào về sự đổi thay của nông nghiệp vùng trong 10 năm tới?
- Lợi thế phát triển của vùng ĐBSCL là nông nghiệp nên trong 10 năm tới sản xuất nông nghiệp vẫn là trụ cột phát triển của vùng nhưng sẽ có nhiều thay đổi về môi trường, chất lượng sản phẩm một cách bền vững hơn.
Về tổ chức, việc sản xuất nông nghiệp của vùng sẽ được tổ chức lại với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Sẽ có nhiều hộ nông dân quy mô lớn, chuyên nghiệp hơn. Định hướng sản xuất cũng có thể thay đổi, sản xuất lúa gạo vẫn đóng vai trò trụ cột nhưng nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, các loại rau củ có giá trị cao, nuôi biển cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu cho nông sản của vùng cũng sẽ được phát triển. Liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp chế biến cũng sẽ được tăng cường thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản với các hộ hay với các tổ hợp tác, hợp tác xã. Sẽ có nhiều vùng nguyên liệu lớn phục vụ công nghiệp chế biến nông sản. Sẽ có nhiều trung tâm kết nối nông sản, cụm ngành liên kết gắn kết vùng sản xuất với chế biến, và với thị trường trong và ngoài nước.
* Với một định hướng không gian phát triển vùng rõ ràng, theo ông, chúng ta có khắc phục được tình trạng "được mùa rớt giá" lâu nay của nông dân trong vùng?
- Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL là quy hoạch mở, không quá khắt khe, xác định cụ thể việc nuôi trồng bao nhiêu con này, cây kia. Điều này phù hợp với xu thế phát triển vì nhu cầu thị trường sẽ thay đổi rất nhiều trong 10 năm tới. Quy hoạch cũng định hướng rất rõ việc gắn kết vùng sản xuất nông nghiệp với các trung tâm đầu mối trong vùng.
Trong khi đó, mới đây Quốc hội đã phê duyệt việc xây dựng một trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Đây là chủ trương định hướng đúng, giúp tăng kết nối sản xuất và tiêu thụ, giảm thiểu những bất ổn thị trường.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng phát triển mạnh cũng cần có nhiều hơn các trung tâm kết nối tại các tỉnh, đồng thời tổ chức lại sản xuất trong vùng, bảo đảm tiêu chuẩn ngon, an toàn và các tiêu chuẩn khác bởi việc tránh được tình trạng mất cân đối cung - cầu không chỉ dựa vào quy hoạch mà được.
Tuy nhiên từ định hướng đúng, hạn chế được tình trạng "được mùa mất giá" thì chúng ta cần có thêm những chiến lược khác nữa, trong đó cần phải xây dựng hệ thống thông tin thị trường thật tốt, có dự báo tốt về thị trường, đồng thời cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chế biến với sản xuất. Người nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất, cách suy nghĩ của mình, phải sản xuất cái thị trường cần, không phải sản xuất cái mình có, không phải chỉ biết tăng sản lượng mà phải biết bán sao cho có lợi nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với những đối tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án ở vùng ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC
* Với những đầu tư mạnh mẽ cho kết cấu hạ tầng trong vùng, theo ông, sẽ có tác động thế nào tới sản xuất nông nghiệp của vùng trong những năm tới?
- Quy hoạch vùng đã đặt vấn đề phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng trong vùng từ mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thủy, hàng không, đường sắt để kết nối với TP.HCM. ĐBSCL là vùng sản xuất nông sản lớn nhất nước nhưng do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ nên hạn chế sự kết nối với các thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó hạn chế sự cạnh tranh của nông sản khi xuất khẩu vì cước vận chuyển nông sản rất cao. Việc đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển, đường sắt kết nối vùng sẽ tạo thuận lợi thương mại, mở ra cơ hội lớn để tiêu thụ nông sản trong vùng.
Ngoài ra, sự đầu tư đồng bộ hạ tầng sẽ kéo nhiều hoạt động kinh tế khác về cho vùng, qua đó thay đổi bộ mặt của vùng. Chẳng hạn khi đầu tư được cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) thì nông sản xuất khẩu không phải vận chuyển lên cụm cảng ở TP.HCM để xuất đi nước ngoài.
Sự thay đổi về hạ tầng giao thông trong vùng trong 10 năm tới sẽ tăng sức cạnh tranh, giúp hoạt động kinh tế toàn vùng sôi động hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào vùng hơn. Sự kết nối tốt về thương mại, dịch vụ, du lịch trong vùng sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi kinh tế vùng. Tốc độ tăng trưởng GDP của vùng chắc chắn sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch cần nhiều thời gian nên có thể trong 3 - 5 năm tới sẽ chưa có sự đột phá phát triển nhưng trong những năm tiếp theo khi hệ thống cơ sở hạ tầng trong vùng cơ bản được đầu tư hoàn thiện sẽ tạo sự chuyển đổi lớn trong phát triển vùng. Theo đó, thu nhập của người dân trong vùng cũng tăng lên.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
3 vùng sinh thái nông nghiệp tại ĐBSCL theo quy hoạch
- Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm đồng bằng trở thành vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt, trái cây gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
- Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển, bao gồm một phần diện tích các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
- Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng được định hướng phát triển thành những vùng chuyên canh thủy sản nước lợ, luân canh với lúa, rau màu, gồm một phần diện tích các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Tận dụng quy hoạch mới để làm giàu
Theo quy hoạch ĐBSCL vừa được công bố, sản xuất nông nghiệp sẽ theo hướng thuận thiên, chú trọng giá trị gia tăng. Trong ảnh: vùng sản xuất lúa - tôm với giống lúa ST24, ST25 tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh thành phố Cần Thơ - cho rằng quy hoạch này là cực kỳ quan trọng đối với quốc gia chứ không riêng gì ĐBSCL và là bước ngoặt lớn nhất cho vùng này trong hai thập niên tới.
Cụ thể, theo ông Lam, lâu nay Việt Nam chưa có quy hoạch nào là quy hoạch cấp vùng mà chỉ có quy hoạch tổng thể quốc gia theo một số ngành dọc, còn xuống tới địa phương thì địa phương làm quy hoạch riêng. Quy hoạch này xuất phát từ nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
Với góc độ pháp lý, quy hoạch là luật hóa, sẽ không còn là những mong muốn đơn giản. Và khi có quy hoạch vùng, các địa phương tuân thủ như vậy sẽ bố trí trật tự lại. Nói một cách ví von thì quy hoạch này là một chiếc áo mới với tầm nhìn, tư duy khác hơn.
Trước đây chúng ta nghĩ về quan điểm phát triển thôi, thì hiện tại có thay đổi, tư duy trong sản xuất không có số lượng nhiều nữa mà đi theo giá trị. Kế đến là nó có được sự quan tâm, đưa vào khuôn khổ thì tình hình kinh tế sắp tới sẽ rõ ràng hơn, đúng hướng hơn, đi theo lộ trình cụ thể.
Để hiện thực hóa quy hoạch này một cách tốt nhất, theo ông Lam, các bộ, ngành và địa phương sẽ cần phải làm nhanh các việc sau:
1. Căn cứ vào quy hoạch, các địa phương phải tiến hành làm quy hoạch của mình. Trước đây khi chưa có quy hoạch, các địa phương thấy cái gì, nhất là với tư duy công nghiệp hóa, giảm nông nghiệp, nên dù thế mạnh của mình chưa biết là gì đã có những chuyển đổi không phù hợp. Nay đã có quy hoạch tổng thể rồi thì quy hoạch của địa phương phải theo khuôn khổ.
2. Huy động nguồn lực. Nguồn lực ở đây không phải chờ phân bổ của trung ương mà phải xác định từng lợi thế nhất của mình để mời gọi đầu tư. Nên nhớ nguồn lực nhà nước là có hạn, nguồn lực xã hội mới là vô hạn. Từ doanh nghiệp cho tới các tổ chức bên ngoài họ đầu tư phải thấy lợi ích. Mà lợi ích đó đầu tiên mình phải có nền tảng, có chiến lược rõ ràng.
Điều quan trọng nữa là từng ngành sẽ phải triển khai nhiệm vụ, nói cách khác là quy hoạch ngành thì cũng rất quan trọng để nhanh chóng tạo được kế hoạch dài hạn, có lộ trình, từ đó mới thu hút đầu tư.
3. Công tác quản lý điều hành. Dù chiến lược hay cách mấy, quy hoạch hay cách mấy mà con người không được nâng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức dường như có những hạn chế. Chính hạn chế này khiến không theo kịp tốc độ phát triển xã hội.
4. Các bộ, ngành cần phải đánh giá lại tính thực thi của từng địa phương, có sự phối hợp với địa phương. Chẳng hạn như nhóm địa phương Cần Thơ, An Giang mạnh về lúa gạo, Bộ NN&PTNT có vai trò gì; Cần Thơ là trung tâm logistics thì Bộ Công thương đóng vai trò gì; Ngân hàng Nhà nước thì thiết kế định chế tài chính để hỗ trợ cho hoạt động dịch vụ? Tất cả đều rất cần thiết để hỗ trợ địa phương.
H.T.DŨNG - C.QUỐC ghi
Với ĐBSCL nói riêng hay Việt Nam nói chung thì nông nghiệp vẫn rất quan trọng. Hiện nay Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có nền nông nghiệp ảnh hưởng nhất thế giới dù còn công nghệ lạc hậu, phát triển manh mún. Nay bố trí lại như thể hiện trong quy hoạch thì không thể nào không giàu được. ĐBSCL sẽ giàu có. Tôi nghĩ ĐBSCL sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.
Quyết tâm cao hơn nữa!
Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ĐBSCL thực sự là địa bàn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát triển thành nguồn lực, cần được khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa.
"Nhưng để trở thành hiện thực, chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng ĐBSCL. Khi đó, chúng ta mới có thể tự tin nói hội nghị rất thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo thích ứng, an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử, văn hóa sông nước, văn hóa bản địa đa dạng được duy trì và tôn tạo.
* Tăng trưởng xanh cho khu vực đang là điểm nóng về biến đổi khí hậu
Bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chia sẻ ĐBSCL được coi là điểm nóng toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng và các tác động phát triển sắp tới, quy hoạch vùng ĐBSCL nêu bật tư duy và tầm nhìn mới cho khu vực, đưa ra những cơ hội to lớn để tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi, cũng như tiềm năng tăng trưởng xanh, bền vững, đồng đều và thịnh vượng lâu dài trong khu vực.
Bà Carolyn Turk cũng cho biết bà "vui mừng thông báo", theo yêu cầu của Việt Nam, các cán bộ của WB đã bắt đầu chuẩn bị một chương trình tổng hợp để thực hiện quy hoạch vùng - tăng cường khả năng thích ứng, sinh kế và tài sản của người dân tại ĐBSCL, đồng thời tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh của vùng khi phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về khí hậu và phát triển cùng với những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra.
* Đầu tư 460.000 tỉ đồng đến năm 2025
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án tại vùng ĐBSCL do địa phương quản lý khoảng 320.000 tỉ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn vốn địa phương, vốn nhà nước và ODA.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng ĐBSCL qua các bộ GTVT, NN&PTNT, Y tế... để triển khai các công trình, dự án trong vùng đạt khoảng 140.000 tỉ đồng.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 460.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT và 13 tỉnh, thành phố trong vùng làm việc với nhóm 6 ngân hàng ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB, thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỉ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng trong giai đoạn 2021 - 2025.
* Sẽ có trên 500km đường cao tốc
Ngoài thông tin về việc đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với thành phố Cần Thơ và một số cảng hiện nay, bổ sung cảng nước sâu Trần Đề để tàu 80.000 - 100.000 tấn có thể hoạt động và ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá.
Theo bộ trưởng Bộ GTVT, đến thời điểm này đã xác định có 86.000 tỉ đồng vốn ngân sách được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này. Trong nhiệm kỳ này, bố trí đầu tư 400km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, An Thủ (Cao Lãnh) - Rạch Giá (Kiên Giang). Như vậy sẽ có thêm 400km đường cao tốc bên cạnh khoảng 130km hiện nay.
P.N. - B.N.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận