Hệ thống Saigon Petro thuộc diện bị rút giấy phép có thời hạn nhưng được tạm hoãn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đồng thời, điều này cũng cho thấy cần xem lại cơ chế với mặt hàng là "máu" của nền kinh tế.
Các quyết định gây tranh cãi
Từ tháng 2-2022, Bộ Công Thương lập ba đoàn tỏa đi ba miền thanh tra với 33 DN đầu mối xăng dầu. Ngoại trừ đoàn thanh tra các DN miền Bắc đến nay vẫn chưa có thông tin, hai đoàn còn lại đã công bố vi phạm với mức phạt nặng là tước giấy phép có thời hạn đối với 12 DN đầu mối.
Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép của năm DN tại quyết định ra ngày 31-8 đã gây ra phản ứng gay gắt từ các DN.
Như với Saigon Petro, khi áp dụng nghị định 83 thì đoàn thanh tra cho rằng DN này "chưa đáp ứng của hệ thống phân phối xăng dầu". Nhưng nếu áp nghị định 95 (có hiệu lực từ năm 2022), Saigon Petro lại dư các tiêu chuẩn.
Cùng với cách thức là tước giấy phép nhưng với bảy DN đầu mối trước lại chỉ tước một phần trong hoạt động kinh doanh đó là phần xuất nhập khẩu. Nhưng với năm DN đầu mối mới đây, phía bộ lại cho rằng sẽ tước luôn 19 quyền của DN đầu mối, tức là cơ bản phải đóng cửa luôn DN trong một thời gian. Khác biệt của các vi phạm chưa được công bố thật rõ.
Kế đến, thanh tra của bộ đã ban hành quyết định tước giấy phép, yêu cầu bàn giao giấy phép kinh doanh khiến DN phản ứng. Sau đó, Bộ Công Thương tổ chức họp, lại ra quyết định tạm hoãn việc tước giấy phép của năm DN này.
Phạt tiền nặng thay vì tước giấy phép?
Năm DN đầu mối bị phạt lần này đang chiếm 30% thị phần kinh doanh xăng dầu Đồng bằng sông Cửu Long với hàng ngàn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nếu "đứt" nguồn cung ai sẽ chịu trận? Đương nhiên là DN nhưng đặc biệt người dân sẽ phải chịu trận khi cây xăng đóng cửa. Bởi các DN đầu mối lớn khác cũng khẳng định không thể một sớm một chiều bù đắp được sản lượng thiếu hụt khi đóng cửa năm DN đầu mối này.
Cơ quan thanh tra đã cân nhắc những hệ lụy đối với người dân. Nếu quyết định đưa ra không đúng thời điểm, thiếu xăng dầu trầm trọng hơn mà hệ lụy là người dân, DN phải gánh chịu, với thiệt hại khó đong đếm hết.
Với đặc thù ngành xăng dầu, khi các cây xăng không phải có ở khắp nơi, dễ dàng bổ sung, đặc biệt với các vùng sâu vùng xa, cần xem lại quy định tước giấy phép, tạm dừng phân phối với các DN đầu mối. Các DN vi phạm các lỗi hành chính, nên chăng áp dụng những biện pháp phạt thật nặng về mặt tài chính thay vì rút giấy phép.
Nhiều vấn đề khác bên cạnh xử phạt
Bên cạnh việc xử phạt, các cơ quan quản lý, điều hành xăng dầu cần nhìn thẳng vào thị trường để giải quyết những bất ổn đang tồn tại. Đó là hiện có bao nhiêu DN đầu mối thực sự quyết tâm kinh doanh xăng dầu hay chỉ bán buôn cầm chừng để kinh doanh tài chính?
Bao nhiêu DN đầu mối đã lắp các bộ cảm biến để cơ quan quản lý "soi" được kho của DN còn hay không còn xăng dầu trước mỗi kỳ tăng, giảm giá? Bao nhiêu cây xăng hết xăng trong bồn nhưng đang "gửi tạm" ở kho đầu mối bởi mua bán qua hóa đơn?...
Đặc biệt, khi các cây xăng đồng loạt than chiết khấu âm, liệu rằng có DN xuất hàng với giá cao hơn giá điều hành (vi phạm nghị định 95) dù trong hóa đơn không thể hiện? Ngoài ra, những bất cập gốc rễ trong điều hành, công thức tính giá cơ sở cần được khắc phục sớm để thị trường xăng dầu vận hành ổn định hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận