25/09/2021 19:28 GMT+7

Quy định trung ương rất 'được', nhưng địa phương áp dụng lại gây khó cho doanh nghiệp

CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU
CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU

TTO - Nhiều quy định trung ương ban hành rất “được”, nhưng khi xuống dưới, các địa phương lại gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Quy định trung ương rất được, nhưng địa phương áp dụng lại gây khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành cá tra sau giãn cách xã hội chiều 25-9 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tại hội nghị trực tuyến "Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội" do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức chiều 25-9, ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nêu thực trạng nhiều quy định của trung ương rất "được", nhưng xuống địa phương áp dụng thì không thống nhất, thậm chí gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Quốc cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều thông tư, trong đó có yêu cầu giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Qua nắm bắt thực tế thì có ngân hàng giảm 0,5% hoặc 1%, có doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra, giám sát và xem xét giảm tới mức 2% để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Bà Tô Tường Lan - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng hiện nay mỗi địa phương có chủ trương chống dịch khác nhau, thiếu sự phối hợp đồng bộ đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyển nguyên liệu, thu hoạch cũng như vận chuyển cá tra giống, vì vậy cần có sự thống nhất trong cơ chế di chuyển, cách ly. 

"Cần nới lỏng kiểm soát người từ vùng xanh, tăng cường kiểm soát ở vùng đỏ để việc thả giống, thu hoạch được tiếp tục, không bị gián đoạn", bà Lan đề xuất.

Ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng nêu thực tế có tình trạng 2 huyện cùng áp dụng chỉ thị 15 như nhau nhưng doanh nghiệp đi từ huyện này qua huyện kia thì bị chặn lại xét nghiệm. "Không lẽ con virus này nó biết phân biệt địa giới hành chính hay sao?”, ông Thư đặt câu hỏi.

Ông Thư nhận định trong tình hình dịch bệnh vừa qua, cách điều hành ở một số nơi chưa trả giá vì dịch bệnh, mà trả giá bằng thiệt hại về kinh tế, số người tử vong vì dịch không nhiều nhưng tỉ lệ người thất nghiệp, khốn khổ vì dịch bệnh gây ra do trong công tác phòng dịch rất lớn.

Vì vậy, ông Thư đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần ngồi lại để bàn thảo, đưa ra một công thức chung trong ứng phó tình hình dịch bệnh mà theo ông, lâu nay đã nhiều lần bàn về liên kết vùng thì lần này hãy liên kết vùng trong ứng phó tình hình dịch bệnh, theo đó tất cả chính sách, quy định về việc này cần có tiếng nói chung.

Quy định trung ương rất được, nhưng địa phương áp dụng lại gây khó cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Cần sự thống nhất trong quy định phòng chống dịch để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản phục hồi nhanh sau giãn cách xã hội - Ảnh: CHÍ QUỐC

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng việc sản xuất an toàn trong phòng chống dịch bệnh phải được thực hiện linh hoạt để sớm phục hồi kinh tế. Đã đến lúc, các tỉnh phải ngồi lại để thu hẹp nhất vùng đỏ có thể. Làm được việc này sẽ tạo được không gian xanh. Theo ông, việc này sẽ thử thách tư duy liên kết vùng BĐSCL.

Theo ông Hoan, hiện nay các tỉnh, thành ĐBSCL chưa trở thành một thực thể. Vì vậy, chưa làm được "chuyện lớn", chưa liên kết chặt chẽ. 

"Tôi trăn trở rất nhiều, nếu chưa làm được chuyện lớn thì chúng ta phải làm được chuyện nhỏ. ĐBSCL là một thực thể. Một thực thể chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn hiện nay là tư duy 13 thực thể. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tạm thời giữ vai trò điều phối liên kết 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong chuỗi ngành hàng cá tra, để cùng nhau vượt qua đại dịch này", ông Hoan nói thêm.

Ông Trần Đình Luân - tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết từ đầu năm đến nay sản lượng nuôi cá tra thương phẩm toàn vùng ĐBSCL đạt khoảng 932.000 tấn, đạt trên 81% so với cùng kỳ 2020, với giá bán dao động từ 21.000 đồng đến 22.000 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Hàng loạt nhà máy đã tạm dừng hoạt động do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Các doanh nghiệp thực hiện mô hình "3 tại chỗ" nhưng chi phí quá cao, các chi phí thức ăn tăng khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn. Đặc biệt là chi phí vận chuyển liên tỉnh vừa qua chưa thông suốt đã khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Còn theo VASEP, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm gần 29% và tháng 9 có thể giảm hơn 30%. Do tình hình doanh nghiệp phục hồi chậm nên khả năng chậm trễ đơn hàng là điều xảy ra, doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng cuối năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp cũng không lấy được đơn hàng đầu năm 2022.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho rằng nếu không có giải pháp phục hồi nhanh thì doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng phục vụ dịp Noel và dịp Tết dương lịch năm nay, vốn được xem là thời điểm "vàng" của xuất khẩu cá tra.

'Nếu dịch kéo dài thêm nữa, không biết doanh nghiệp kham nổi được bao lâu'

TTO - Đại diện hộ nuôi, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều than hiện nay ngành tôm điêu đứng, người dân không còn dám thả nuôi tôm.

CHÍ QUỐC - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp