28/06/2012 16:23 GMT+7

Quy định trong HĐLĐ: thế nào là phù hợp?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Công ty chúng tôi đang có một số băn khoăn về các quy định trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa công ty và người lao động (NLĐ) như sau:

1. Công ty muốn đưa quy định NLĐ không được phép ứng tuyển vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh với công ty (có thời hạn hoặc vô thời hạn), như vậy có trái Luật lao động của Việt Nam không?

2. Nếu có, với hệ thống luật pháp lao động hiện hành, chúng tôi cần làm gì để bảo vệ lợi ích của công ty mình. Bởi có rất nhiều trường hợp NLĐ làm việc ở công ty một thời gian (thử việc, học việc…), khi đã có kinh nghiệm thì xin nghỉ để đi làm cho các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

3. Khi chúng tôi tham khảo Luật lao động và các văn bản hiện hành liên quan thì chỉ thấy người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được đền bù gì, mà còn phải trả trợ cấp thôi việc (khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng quy định).

Mong chương trình tư vấn giúp. Xin cảm ơn!

(Trần Huy Bách)

- Công ty của bạn không được quyền đưa nội dung "quy định NLĐ không được phép ứng tuyển vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh với công ty" vào trong nội quy lao động của công ty hoặc trong HĐLĐ, bởi theo điều 5 và điều 16 Bộ luật lao động (BLLĐ):

Điều 5 BLLĐ:

1. Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Cấm ngược đãi NLĐ, cấm cưỡng bức lao động dưới bất kỳ hình thức nào.

3. Mọi hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề, học nghề để có việc làm, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ.

Điều 16 BLLĐ:

1. NLĐ có quyền làm việc cho bất kỳ NSDLĐ nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Người cần tìm việc làm có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký tại các tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc tuỳ theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.

2. NSDLĐ có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển chọn lao động, có quyền tăng hoặc giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra điều 32 BLLĐ cũng quy định: NSDLĐ thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.

Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, trong thời gian thử việc NLĐ đương nhiên được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ thử việc mà không cần phải báo trước cho NSDLĐ và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.

Tuy nhiên theo quy định tại mục 4, phần III thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 06-5-2003 của Chính phủ về HĐLĐ, giữa công ty bạn với NLĐ được quyền thỏa thuận bằng văn bản nội dung như sau:

1. Trường hợp NLĐ được đào tạo ở trong nước hoặc ở nước ngoài từ kinh phí của công ty hoặc kể cả kinh phí do nước ngoài tài trợ cho công ty thì sau khi học xong phải làm việc cho công ty một thời gian nhất định (thời gian làm việc phải do hai bên thỏa thuận).

2. Trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ trường hợp NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động mà thực hiện đúng và đủ các quy định tại điều 37 của BLLĐ khi chưa học xong, hoặc học xong không làm việc cho công ty đủ thời gian như đã thỏa thuận thì phải bồi thường mức chi phí đào tạo bao gồm các khoản cho phí cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy móc thiết bị, vật liệu thực hành và các chi phí khác hỗ trợ cho người lao động (các chi phí nêu trên do công ty tính có sự thỏa thuận của người lao động).

Lưu ý: Thỏa thuận nội dung trên đây bắt buộc phải được lập thành văn bản có chữ ký của người đại diện của công ty bạn và NLĐ.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp