05/01/2025 08:46 GMT+7

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Vẫn còn nhiều điều chưa thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới.

Thông tư quy định dạy thêm, học thêm: Giáo viên nói gì? - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) tham gia lớp ôn thi tốt nghiệp năm 2024 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo các giáo viên, thông tư này giải quyết được những vướng mắc liên quan dạy thêm. Dù vậy, vẫn còn không ít băn khoăn.

Giáo viên đang dạy môn toán tại một trường THCS ở Q.Bình Tân (TP.HCM):

Vẫn băn khoăn

Ngoài công việc ở trường cấp II, tôi đang dạy thêm tại nhà cho một nhóm học sinh khoảng 10 em. Tôi nghĩ hình thức dạy thêm theo những nhóm nhỏ ở nhà là phổ biến với nhiều giáo viên. 

Thông tư 29 quy định: "Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường...". Vậy việc tôi mở những nhóm nhỏ ở nhà sẽ xếp vào "dạy thêm" hay "quản lý, điều hành dạy thêm" và có được phép hay không?

Nếu không được phép sẽ tái diễn dạy thêm lén lút và tình hình chẳng có gì khác so với trước. Nếu được phép, thông tư 29 quy định phải đăng ký kinh doanh. Tôi rất băn khoăn điều này. 

Dạy bao nhiêu em thì phải đăng ký kinh doanh, dạy kèm một, hai em thôi có phải đăng ký? Tôi chỉ phải đăng ký kinh doanh hay còn phải đăng ký tiếp với Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT?

Cô L.T.H. (giáo viên cấp THCS tại Hà Nội):

Giải quyết được hai vướng mắc lớn

Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT đã giải quyết được hai vướng mắc rất lớn hiện nay. Thứ nhất, việc quy định giáo viên không được dạy thêm thu tiền với học sinh chính khóa đang học tại trường sẽ tác động mạnh mẽ tới cả người dạy và người học. Khi đó phụ huynh sẽ giảm áp lực về tài chính, không còn lo con em sẽ bị trù dập nếu không đi học thêm trong và ngoài trường.

Còn đối với nhà trường và các giáo viên khi tổ chức dạy thêm tại trường sẽ không mang tiếng xấu là "ép học sinh học thêm". Bởi theo thông tư mới, trừ cấp tiểu học, các trường học có thể công khai tổ chức dạy thêm trong trường với ba đối tượng được phép, gồm học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Do vậy, dù dạy thêm trong trường không thu học phí của học sinh, nhưng các giáo viên vẫn sẽ có thêm những khoản thu nhập nhất định để trang trải cuộc sống từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Cô N.T.N. (giáo viên cấp THPT tại Bắc Ninh):

Yên tâm công tác hơn

Thông tư mới về dạy thêm, học thêm đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm loại bỏ những tiêu cực trong việc dạy thêm và học thêm. Theo tôi, chỉ khi có những nguyên tắc rõ ràng về việc dạy thêm, học thêm thì giáo viên mới có thể thoải mái tư tưởng trong công tác giáo dục; Nhà nước cũng có thể quản lý tốt công tác dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Đồng thời, vẫn có thể đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh.

Với quy định hiện tại, nếu giáo viên muốn dạy thêm bên ngoài trường có thu tiền của học sinh phải thông qua bên thứ ba, tham gia dạy thêm tại một cơ sở dạy thêm đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. 

Tôi thấy điều này ban đầu có thể có những khó khăn, vì trước đây giáo viên thường mở lớp dạy thêm theo nhu cầu của học trò và phụ huynh. Khi đó giáo viên sẽ được chủ động trong việc quản lý và tổ chức hoạt động dạy và học, cô - trò cũng sẽ thoải mái hơn.

Nếu bây giờ có những tổ chức hoặc cá nhân đứng ra mở cơ sở dạy thêm và mời giáo viên đến dạy thì tất nhiên có thể sẽ thấy hơi gò bó và không chủ động bằng trước đây. Nhưng tính về lâu dài, việc này sẽ trở thành hoạt động chuyên nghiệp và việc dạy - học có tổ chức quản lý, có trung tâm chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý, giáo viên cũng sẽ yên tâm công tác hơn.

Cô N.T.N.T. (giáo viên tiểu học):

Khó xử với phụ huynh

Ở các vùng quê, nhất là bậc tiểu học, phụ huynh thường mong muốn gửi gắm con em đến nhà giáo viên chủ nhiệm dạy thêm ngoài giờ học. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học thường là người trực tiếp giảng dạy phần lớn các môn học, nắm bắt được khả năng học tập của từng học sinh. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng là người chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả học tập của học sinh.

Thực tế, mỗi đầu năm học tôi đều nhận được những tin nhắn từ phụ huynh xin gửi con học thêm ngoài giờ. Đây cũng là điều tôi thấy khó xử khi nhu cầu của phụ huynh trái với quy định của nhà trường, trong khi bản thân giáo viên cũng mong muốn dạy thêm ngoài giờ học để kiếm thêm thu nhập.

Điều tôi băn khoăn nhất hiện tại, khi giáo viên muốn dạy thêm ở ngoài trường phải thông qua các cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh và báo cáo với hiệu trưởng. Theo tôi, điều này đồng nghĩa với việc cơ hội dạy thêm ở ngoài của giáo viên đang bị bóp chặt lại, bởi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu tuyển dụng giáo viên của những cơ sở dạy thêm bên ngoài có đăng ký kinh doanh. Nếu ở các vùng quê có ít hoặc không có cơ sở dạy thêm thì giáo viên hoàn toàn không có cơ hội dạy thêm ngoài giờ.

Ông Nguyễn Phúc Viễn (hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang):

Nhiều học sinh có nhu cầu nâng cao kiến thức

Thông tư quy định dạy thêm, học thêm: Giáo viên nói gì? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phúc Viễn

Theo thông tư 29, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho các đối tượng: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh được bồi dưỡng thi học sinh giỏi, học sinh cuối cấp ôn thi.

Còn những đối tượng còn lại thì sao, phải chăng nhà trường không được tổ chức dạy thêm? Trong khi đó, nhiều học sinh cũng có nhu cầu học để nâng cao năng lực, kiến thức.

Chẳng hạn, một học sinh học lực trung bình có lẽ các em cũng muốn được học để nâng cao năng lực của mình lên khá. Một học sinh khá có lẽ cũng mong muốn học để nâng cao năng lực lên giỏi. Nhà trường cũng rất muốn có thể hỗ trợ giảng dạy thêm cho các em, nếu các em có nhu cầu. Tuy nhiên theo thông tư 29, các em này không nằm trong các đối tượng để tổ chức dạy thêm trong nhà trường.

Ngoài ra, một điểm làm tôi khá đắn đo là theo thông tư 29, "việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được phép thu tiền của học sinh". Vậy nguồn kinh phí để trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ lấy từ đâu? Tôi nghĩ nhiều trường sẽ khó tìm được nguồn kinh phí để tổ chức việc dạy thêm, học thêm này.

Thông tư quy định dạy thêm, học thêm: Giáo viên nói gì? - Ảnh 3.Ủng hộ cấm giáo viên dạy thêm tại nhà, nhưng mới chỉ giải quyết phần ngọn?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên không được dạy thêm thu tiền với học sinh đang học tại trường đã tháo gỡ nhiều nỗi lo cho phụ huynh, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp