Quy định mất bằng lái xe lần thứ 2 trở lên phải thi lại cả lý thuyết và thực hành từng được Bộ Giao thông vận tải đưa vào dự thảo thông tư đào tạo, cấp giấy phép lái xe - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Cụ thể, cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải đã từng đăng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Thời gian lấy ý kiến dự thảo thông tư này từ ngày 2-11-2018 đến 2-1-2019.
Trong đó, đoạn đầu khoản 2 Điều 36 được sửa đổi "người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe".
Đoạn đầu khoản 3 Điều 36 được sửa đổi "người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung".
Đáng chú ý, khoản 4 Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau: "Người có giấy phép lái xe bị mất từ lần thứ 2 trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe".
Trong khi đó, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định "người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe" (không quy định bị mất lần 1 hay lần 2 - PV).
Với trường hợp người bị mất giấy phép lái xe, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, thông tư 12 quy định phải dự sát hạch lại sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong đó, giấy phép lái xe quá hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết; quá hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Cơ quan cấp lại giấy phép lái xe cho các trường hợp bị mất phải gửi thông báo hủy giấy phép lái xe cũ tới các cơ quan liên quan. Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe cấp lại, được tính theo ngày trúng tuyển của giấy phép lái xe cũ. Thời gian cấp lại giấy phép lái xe thực hiện như đối với cấp mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác nhận quy định trên đã từng được đưa vào dự thảo. Nhưng qua góp ý, dự thảo thông tư mới. Hiện nay đơn vị soạn thảo đang tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo mới trước khi lấy ý kiến góp ý lần tiếp theo.
Ngày 6-3, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018 và đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết:
"Chúng tôi cũng đang đề xuất theo hướng tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng. Thực tế công tác quản lý còn hạn chế nên có những trường hợp vi phạm đã lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3".
Nhiều ý kiến trên truyền thông và mạng xã hội cho rằng đề xuất của ông Thể là không hợp lý vì có nhiều trường hợp bị mất bằng lái xe do khách quan chứ không phải cố tình báo mất để được cấp lại.
Điều cần làm là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin vi phạm của lái xe cũng như các trường hợp bị tạm giữ bằng lái vào hệ thống dữ liệu giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ để tiện tra cứu, phát hiện hành vi báo mất bằng không đúng để từ chối cấp lại bằng lái đối với những lái xe đã bị tước bằng lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận