Công ty TNHH thương mại dịch vụ và kỹ thuật SGC bức xúc vì thành lập đã 13 năm nhưng vẫn bị yêu cầu chuyển sang kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Trong ảnh: nhân viên công ty với đơn kiến nghị đến cơ quan thuế - Ảnh: T.T.D. |
Qua tìm hiểu của phóng viên, còn nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng bị đẩy vào khó khăn do quy định không hợp lý về hóa đơn của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính dù những nơi này khẳng định có biết vướng mắc và đã tháo gỡ.
Thành lập 13 năm vẫn vướng
Về trường hợp Công ty TNHH thương mại dịch vụ và kỹ thuật SGC, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 7-8, ông Đào Văn Quý, chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Củ Chi, giải thích sở dĩ cơ quan thuế có yêu cầu DN phải thu hồi các hóa đơn đã phát hành từ tháng 1-2014 và chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế là vì DN không đăng ký theo mẫu 06 về việc đăng ký sử dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT cho cơ quan thuế trước ngày 15-3. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói trường hợp Công ty SGC không phải làm đăng ký như yêu cầu của Chi cục Thuế huyện Củ Chi mà đương nhiên được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trường hợp không được Chi cục Thuế huyện Củ Chi giải quyết, DN có thể làm văn bản gửi Bộ Tài chính. |
Bà Lê Thị Mỹ Linh - phó giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và kỹ thuật SGC, trụ sở tại ấp Bàu Sim, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM - cho biết công ty thành lập đã 13 năm, kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm.
Mới đây ngày 4-8, Chi cục Thuế huyện Củ Chi đã gọi điện thoại mời DN lên làm việc và bắt buộc phải chuyển sang dùng hóa đơn GTGT mua từ cơ quan thuế, đồng thời trong vòng 10 ngày phải thu hồi 248 tờ hóa đơn đã xuất cho khách hàng từ đầu năm 2014 đến ngày 3-8 và hủy 10 cuốn hóa đơn còn dư xuất.
Lý do là doanh thu chịu thuế GTGT năm 2013 của công ty không đạt 1 tỉ đồng dù tổng doanh thu hơn 1 tỉ đồng (vì lĩnh vực kinh doanh phần mềm của công ty này đang được ưu đãi thuế).
Theo cơ quan thuế, lẽ ra trường hợp này DN phải nộp mẫu 06 về việc đăng ký sử dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT cho cơ quan thuế trước ngày 15-3, nhưng DN không nộp nên bắt buộc phải sử dụng hóa đơn GTGT theo phương pháp trực tiếp mua từ cơ quan thuế.
“DN tôi có biết quy định này nhưng vì doanh thu năm 2013 trên 1 tỉ đồng, vả lại đã thành lập hơn 13 năm, hơn nữa mục đích của cơ quan thuế khi đưa ra quy định này là ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn của DN mới thành lập. Tôi xác định công ty tôi không nằm trong diện đó, vì vậy DN không chú ý đến mẫu đăng ký theo yêu cầu của cơ quan thuế” - bà Linh giải thích.
Cũng theo bà Linh, hiện công ty không có bất kỳ nguồn thu nào vì cơ quan thuế Củ Chi đã chốt và hủy hóa đơn nên công ty không thể xuất hóa đơn cho khách hàng.
Tại buổi làm việc với DN này vừa qua, Chi cục Thuế huyện Củ Chi cũng yêu cầu DN ký vào văn bản tự nguyện đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp từ kỳ tính thuế tháng 1-2014 và thu hồi số hóa đơn đã xuất nhưng theo bà Linh, điều này gần như không thể thực hiện được vì bên sử dụng dịch vụ đã báo cáo thuế nên sẽ không chấp nhận trả lại hóa đơn. Chưa kể uy tín của công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đứng trước nguy cơ giải thể
Đây không phải trường hợp cá biệt. Nhiều DN mới thành lập từ năm 2014 cũng phản ánh về Tuổi Trẻ tình trạng “chết dở” vì quy định bất hợp lý về hóa đơn. Một DN buôn bán văn phòng phẩm, vé máy bay, du lịch theo tour... cho biết với dịch vụ trên mà cơ quan thuế yêu cầu phải đầu tư tài sản cố định ban đầu trên 1 tỉ đồng để đáp ứng điều kiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì DN khó lòng đáp ứng nổi.
DN này cho biết công ty mở ra từ ngày 14-2 đến nay nhưng không thể hoạt động. Thời gian tới nếu không có điều chỉnh thì DN sẽ phải đóng cửa.
Công ty TNHH kinh doanh xuất nhập khẩu GP (Gò Vấp) cho biết thành lập từ tháng 3-2014 đến nay, kinh doanh mua bán thực phẩm đông lạnh và các sản phẩm từ thịt, có hóa đơn đầu vào hơn 2 tỉ đồng/tháng. Việc mua vào đều có chứng từ hợp lệ, nhưng theo quy định hiện nay, DN không được sử dụng hóa đơn GTGT cho đầu ra làm DN không bán được hàng đã mua vào, dẫn đến nguy cơ phá sản.
Theo đại diện DN này, việc không cho phép các DN thành lập sau 1-1-2014 áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nếu không đầu tư tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên là không công bằng và tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các DN.
“Trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi, nên khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, sản xuất... thay vì ban hành những chính sách có nguy cơ dẫn DN đến con đường thua lỗ và phá sản. Quan sát tại chi cục thuế, tôi thấy có rất nhiều DN xin giải thể mà giấy chứng nhận đăng ký DN của họ chỉ mới được cấp trong tháng 2-2014” - đại diện DN này phản ánh.
Sẽ sớm tháo gỡ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Tấn, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận thời gian qua nhiều DN đã bức xúc và phản ánh những thắc mắc về quy định hóa đơn GTGT mà DN mới thành lập gặp phải, Cục Thuế TP.HCM đã có báo cáo đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho các DN lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết vừa qua Bộ Tài chính đã có văn bản tháo gỡ dần vướng mắc liên quan đến quy định về hóa đơn, nhưng vẫn còn vướng ở yêu cầu DN phải làm cam kết mua tài sản cố định trong thời gian 12 tháng mới được áp dụng kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Bộ Tài chính cũng đã họp và sẽ có văn bản tháo gỡ vướng mắc ngay từ đầu tuần tới theo hướng không yêu cầu các DN phải làm cam kết mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ như trước. Thay vào đó, cơ quan thuế sẽ tăng cường hậu kiểm để tránh tình trạng DN thành lập nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, cũng sẽ có một nhóm DN thuộc diện rủi ro cao như DN có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai nộp thuế, DN nợ thuế quá 90 ngày, DN buôn bán vật liệu xây dựng... vẫn thuộc nhóm đối tượng bị siết về hóa đơn.
Với hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng mua hóa đơn lẻ của cơ quan thuế tới đây thủ tục cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng đơn giản hơn nhằm tạo thuận lợi cho người dân và không có thủ tục xét duyệt nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận