Vị trí và hướng di chuyển bão số 7 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 8-10, ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết lúc 1h sáng 8-10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (bão số 7).
Lúc 7h sáng nay, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
"Trong 24 giờ tới, bão di chuyển lên phía Bắc với tốc độ 10km và có khả năng mạnh thêm. Sau đó bão đi vào đảo Hải Nam, khả năng cường độ suy yếu trước khi đi vào vịnh Bắc Bộ, có thể mạnh trở lại.
Sau khi bão đi vào đảo Hải Nam, áp cao cận nhiệt đới lấn mạnh về phía Tây, đồng thời tương tác của không khí lạnh từ khoảng đêm ngày 9 đến ngày 11-10, các ảnh hưởng về quỹ đạo, cường độ, mưa, gió còn phức tạp", ông Lâm nhận định.
Ông Lâm cho biết khả năng cao nhất hiện nay là bão số 7 sẽ gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 9 đến 12-10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Cụ thể, từ chiều 9 đến 11-10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Từ ngày 10 đến 11-10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 10 đến 12-10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.
Trong ngày hôm nay 8-10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum còn có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm.
"Nguy cơ lớn nhất trong hôm nay là lũ trên các sông ở Quảng Trị và Quảng Nam. Lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã lên đỉnh và xuống trong ngày hôm nay. Trong sáng đến trưa nay, lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam) có khả năng đạt đỉnh 8,6m, dưới báo động 3 0,4m, đến chiều tối thì lũ sẽ xuống dần. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi các tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam", ông Lâm lưu ý.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng - trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng - cho biết hiện nay còn 2 tàu của Quảng Ngãi với 11 ngư dân đang nằm trong vùng nguy hiểm. Đơn vị đã đôn đốc Biên phòng Quảng Ngãi yêu cầu 2 tàu cá di chuyển xuống phía nam, khả năng 2 phương tiện đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Tiến - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển người, lồng bè, tàu thuyền vào bờ đảm bảo an toàn, khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu và có phương án đảm bảo an toàn cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực ngập sâu.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Một phụ nữ mất tích khi cố băng qua dòng nước chảy xiết
Khu vực bà C. bị nước cuốn mất tích - Ảnh: Đ.T.
Sáng 8-10, ông Nguyễn Thế Đức - phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam - cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ 4 người dân lội bộ qua dòng nước lũ, khiến một phụ nữ bị nước cuốn mất tích.
Trước đó, khoảng 4h30 sáng cùng ngày, 4 người dân ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên gánh giá lội bộ qua dòng nước lũ chảy xiết đến chợ La Tháp để bán.
Không may cả 4 người bị nước cuốn trôi, 3 người đã tự bơi vào bờ, riêng bà H.T.C. (65 tuổi, người địa phương) mất tích.
Nhận được tin báo, chính quyền xã Duy Châu đã huy động lực lượng tìm kiếm tung tích bà C. nhưng đến 9h sáng nay vẫn chưa có kết quả.
Lực lượng chức năng đã giăng dây cảnh báo, cấm người dân đi lại khu vực nguy hiểm nói trên.
ĐỨC TÀI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận