Phóng to |
Các thành viên nữ của CLB xe đạp Sài Gòn - Đông Tây trên đường tập luyện - Ảnh: T.P. |
Họ là chín thành viên nữ của CLB xe đạp nghiệp dư Sài Gòn - Đông Tây, những người đi tiên phong trong phong trào chơi xe đạp đua của phụ nữ TP.HCM. Dù chỉ mới phát triển hai năm trở lại đây nhưng không ít đấng mày râu phải ngả mũ thán phục niềm đam mê của họ.
Chung niềm đam mê xe đạp
Anh Nguyễn Văn Cường, bán nước trên vỉa hè đại lộ Võ Văn Kiệt, cho biết: “Hằng ngày, tuyến đường này là nơi tập luyện của nhiều tay đua phong trào. Gần đây lại có một nhóm nữ tham gia”.
Đến nơi “hội quân” của nhóm dưới gầm cầu Chà Và, chúng tôi gặp nữ “cuarơ” 47 tuổi Lê Thị Sen (cán bộ UBND P.7, Q.5) - chủ nhiệm CLB xe đạp Sài Gòn - Đông Tây gồm 40 thành viên (31 nam, 9 nữ), trong đó có rất nhiều cựu tay đua nam chuyên nghiệp. Cô Sen cho biết: “Đam mê thể thao mạo hiểm từ nhỏ, tôi từng leo núi và chinh phục thành công “nóc nhà Đông Dương” Phanxipăng (cao 3.143m so với mực nước biển) hay ngọn núi cao nhất Đông Nam Á Kinabalu (4.095m so với mực nước biển) ở Malaysia. Nhưng do leo núi quá tốn thời gian và không thể tập thường xuyên nên tôi chuyển sang đạp xe đua vì nó cũng vận động cơ thể toàn diện giống leo núi”.
Đầu tiên, cô Sen mượn chiếc xe tay lái ngang của bạn và tự tập luyện ở đại lộ Đông Tây. Nhưng nỗi “cô đơn” gần như lập tức tan biến khi cô gặp nhiều người cùng chung niềm đam mê trên đường tập. Và từ đó, cô cùng vài bạn nữ gia nhập CLB xe đạp Sài Gòn - Đông Tây. Cô Sen nói: “Đến nay, CLB đã có chín thành viên nữ. Dù thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội và tuổi tác chênh lệch nhiều (lớn nhất 50 tuổi và nhỏ nhất 35 tuổi) nhưng chúng tôi cùng chung niềm đam mê xe đạp. Bất kể thời tiết thế nào, chúng tôi đều đặn nuốt trọn quãng đường 27km trên đại lộ Đông Tây mỗi ngày”.
Người lớn tuổi nhất CLB là bà Trần Ngọc Quyên, một người kinh doanh văn phòng phẩm. Dù đã ngấp nghé tuổi 50 nhưng bà vẫn rất trẻ trung. Bà Quyên nói: “Tôi đến với xe đạp thông qua sự giới thiệu của một người bạn. Chơi xe đạp giúp tôi duy trì sự nhanh nhẹn, rèn sức mạnh và khả năng quan sát rất tốt. Đồng thời nó giúp tôi thỏa chí khám phá qua những chuyến đi xa mỗi cuối tuần”.
Cô nhân viên khoa dược Bệnh viện Hùng Vương Huỳnh Minh Thúy (35 tuổi) nói thêm: “Ban đầu tôi chơi vì tò mò, nhưng sau đó đã yêu thích xe đạp. Nó đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm tuyệt vời từ những chuyến đi xa. Ở những nơi tôi từng đến, cảm giác trở lại nơi đó bằng xe đạp với tôi rất khó tả. Khi đạp xe có nhiều thời gian ngắm khiến tôi thấy cảnh vật đẹp hơn”.
Cuộc đua của đam mê
Để chơi xe đạp, các chị phải khéo léo sắp xếp công việc nhà lẫn cơ quan. Cô Sen có hai con đều đã lớn, trong đó con trai 21 tuổi đang học thạc sĩ tại Singapore cũng theo mẹ chơi xe đạp phong trào. Nhờ vậy, cô được con giúp đỡ công việc nhà rất nhiều để có thời gian đi tập buổi sáng hoặc đi xa mỗi cuối tuần. Trong khi đó, do con gái chỉ mới 6 tuổi nên chị Minh Thúy luôn phải thức thật sớm lo cho con rồi mới đi tập. Tập xong, chị tranh thủ về nhà trước 7g để đưa con đến trường. Chị Vương Khánh Giang, chủ tịch UBND P.7, Q.5 và đã có hai năm đạp xe đua, cho biết: “Mỗi sáng tôi dậy lúc 4g30 và 5g đạp xe khỏi nhà (gần Đài truyền hình TP.HCM) đến cầu Chà Và để nhập đoàn với nhóm. Sau khi nuốt trọn 27km, tôi đạp thật nhanh về nhà để chuẩn bị một ngày làm việc”.
Khi mới tập, hầu hết các chị chỉ mua (hoặc mượn) những chiếc xe rẻ tiền. Sau thời gian tập luyện, yêu môn đua xe, họ mới bắt đầu sắm xe xịn. Do không rành kỹ thuật, họ phải mày mò lên mạng tìm hiểu, đặt mua trang thiết bị từ nước ngoài... hoặc nhờ các thành viên nam trong CLB tìm mua ở các cửa hàng trong nước. Đến nay, cô Sen đã có hai chiếc xe đua (một xe tay lái ngang và một xe đường trường) khá xịn. Các thành viên còn lại hầu như đều có những chiếc xe mà nhiều tay đua chuyên nghiệp phải thèm muốn. Bà Quyên khoe: “Đến nay, chúng tôi đều thạo những sửa chữa đơn giản như chỉnh đề, thay vỏ ruột... Trong những chuyến đi tập, chúng tôi luôn mang theo đồ nghề để tự sửa xe”.
Còn chuyện nắng gió, bụi đường ăn mòn nhan sắc thì sao? Chị Minh Thúy cười và nói: “Chúng tôi cố gắng hạn chế bằng cách đi tập thật sớm và dùng kem chống nắng để đỡ bị cháy da”. Đó là chưa kể những tai nạn do va quẹt trên đường. Chị Thúy nói: “May mắn, điều tôi sợ nhất là bị sẹo vẫn không xảy ra. Cũng vì sợ điều này nên chúng tôi luôn rất cẩn thận trên đường và hầu như không tham gia thi đấu”. Chuyện bị người qua đường chọc ghẹo “con gái mà đạp xe đua”, “đạp có mệt không em”... với các chị từ lâu trở nên rất bình thường. Chị Thúy nói: “Bị chọc ghẹo riết tôi cũng quen và cảm thấy... vui vui. Những lúc ấy, tôi thường cười và vẫy tay chào họ”.
Tuy có rất nhiều chướng ngại trên con đường theo đuổi niềm đam mê nhưng với chị Khánh Giang: “Không biết từ khi nào, xe đạp đã ăn vào máu của tôi và nếu một ngày không đạp xe đua là tôi cảm thấy thiếu thiếu. Đến với xe đạp không chỉ để rèn sức khỏe, giải tỏa áp lực, tôi còn được tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Những chuyến đạp xe làm từ thiện cho đồng bào nghèo khắp nơi là hình ảnh tôi không bao giờ quên”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận