11/03/2019 09:18 GMT+7

Quỹ BHYT 'cứu' người nhiễm HIV/AIDS

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Khi nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm, tưởng rằng con đường điều trị của người nhiễm HIV/AIDS sẽ chông chênh. Nhưng không, một cánh cửa khác đang mở ra như tiếp thêm niềm hi vọng trong điều trị HIV/AIDS: quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).

Quỹ BHYT cứu người nhiễm HIV/AIDS - Ảnh 1.

Một cơ sở y tế phát thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: CTV

Bắt đầu từ năm 2019, TP.HCM triển khai thí điểm điều trị HIV bằng thuốc ARV (thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể) cho khoảng 4.200 bệnh nhân HIV/AIDS thông qua quỹ BHYT chi trả. Và để đi đến cột mốc quan trọng này là cả một hành trình dài chuẩn bị, từ hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ sở điều trị, đấu thầu thuốc đến mở rộng tỉ lệ người "sống chung" với HIV tham gia BHYT...

Có thẻ BHYT điều trị ARV giúp tôi bớt đi gánh nặng về kinh phí điều trị. Bây giờ, tôi cảm thấy sức khỏe dần ổn định, khỏe hơn và quan trọng là có một công việc tốt.

Anh L. chia sẻ

Hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT

Từ năm 2017, UBND TP.HCM đã có chủ trương chấp thuận hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT và 20% chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virút ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại TP và ở nơi khác với điều kiện có thời gian cư trú trên 6 tháng tại TP.HCM. Với chi phí điều trị ARV đắt đỏ như hiện nay, sự hỗ trợ này quả nhiên là một "phép mầu" giúp người nhiễm HIV vơi đi gánh nặng tài chính.

Được may mắn nằm trong danh sách những bệnh nhân đầu tiên điều trị ARV bằng thẻ BHYT, anh T.K.L. (40 tuổi, ngụ Q.8) vô cùng phấn khởi. Niềm vui của anh cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn người sống với HIV khắp nơi trên cả nước. Anh L. nói rằng nếu không có sự hỗ trợ này, gia đình anh không biết phải xoay xở như thế nào mới có đủ kinh phí điều trị HIV, căn bệnh "theo" anh suốt chục năm qua.

Còn câu chuyện của K. (huyện Bình Chánh) mang đến nhiều xúc động. Trong một lần "ăn chơi tới bến", anh phải trả giá bằng căn bệnh HIV. Lúc đấy K. mới chỉ 25 tuổi, đang có một công việc ổn định với bao nhiêu hoa mộng cuộc đời. "Tụt dốc không phanh" - K. nói về tình trạng của mình sau khi biết nhiễm HIV. Trải qua bao nhiêu buồn đau, giờ đây K. tự tin bảo rằng cuộc sống của mình dần trở lại với "quỹ đạo" vốn có. "Tôi được dùng thuốc ARV miễn phí, và giờ được BHYT chi trả, đó là cánh cửa duy nhất giúp tôi duy trì sự sống" - K. xúc động nói.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ hiện nay tổng số người nhiễm HIV ở TP ước tính gần 50.000 người, chiếm 1/4 cả nước. Trong số này, người được xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV trên 41.000 người, đang điều trị ARV là 35.800 người tại 48 phòng khám ngoại trú. "Kể từ khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, với sự hỗ trợ của UBND TP trong việc mua thẻ BHYT, chi trả tiền thuốc ARV, đến nay toàn TP có khoảng 29.368 người đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Dự kiến năm 2019 tăng thêm 4.000 thẻ BHYT" - ông Hưng nói.

Quỹ BHYT cứu người nhiễm HIV/AIDS - Ảnh 3.

Lấy mẫu test HIV - Ảnh: CTV

106.000 người nhận thuốc ARV qua BHYT

Ông Phạm Đức Mạnh - phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - cho biết năm 2018 đánh dấu là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở nước ta giảm cả ba tiêu chí về số người nhiễm mới, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong. Để đạt được điều này, ông Mạnh nói Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, phân cấp điều trị về các tuyến cơ sở, đảm bảo chất lượng điều trị.

Đến nay, mạng lưới điều trị ARV thông qua thẻ BHYT có tới 188 cơ sở. Ước tính đến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 40.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV qua BHYT, và dự kiến tăng lên 106.000 bệnh nhân vào năm 2020.

Chia sẻ gỡ rối thắc mắc cho người nhiễm HIV, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo tình trạng sức khỏe. Việc cấp phát thuốc này thông qua cơ sở điều trị, nghĩa là bệnh nhân đăng ký, được cấp thuốc từ kinh phí do BHYT chi trả.

"UBND TP đã hỗ trợ tối đa để ai cũng có thể tiếp cận được thẻ BHYT. Việc tham gia này tùy thuộc điều kiện công việc của mỗi người. Nếu đi làm có thể tham gia ở cơ quan xí nghiệp hoặc theo hộ gia đình. Ngoài ra, Trung tâm phòng chống AIDS cũng là cầu nối lập danh sách những người có nhu cầu mua thẻ BHYT" - bác sĩ Huyền nói. Đối với những người không có giấy tờ tùy thân, trách nhiệm còn lại là ở chính quyền địa phương - nơi chịu trách nhiệm rà soát, xác nhận, cấp lại giấy tờ tùy thân.

Trước vấn đề thông tin cá nhân của người nhiễm HIV có thể bị lộ, bác sĩ Huyền khuyên người bệnh không nên lo ngại mà "nói không" với BHYT, bởi sự kỳ thị nay đã giảm rất nhiều, việc nhiễm HIV được xem như là một bệnh mãn tính. Người bệnh có thể tự do điều trị ở các nơi khác nhau, không nhất thiết phải cố định nơi địa bàn mình sinh sống, và các nhân viên y tế phải có trách nhiệm giữ bí mật cho họ. "Những người nhiễm HIV cần phải tham gia BHYT và tuân thủ điều trị ARV. Nguồn thuốc từ BHYT chính là chỗ dựa vững chắc cho họ chiến thắng được căn bệnh thế kỷ này"- bác sĩ Huyền nói.

Có 6 đơn vị thí điểm điều trị thuốc ARV

Tại TP.HCM hiện có 6 đơn vị thí điểm điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS thông qua quỹ BHYT chi trả, bao gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè và Phòng khám đa khoa Galant.

Các bệnh nhân đảm bảo các điều kiện, BHYT sẽ thanh toán chi phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng. Các dịch vụ đặc thù được tính theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia BHYT. Theo BHXH TP.HCM, đơn vị đã hỗ trợ hướng dẫn các cơ sở triển khai điều trị HIV/AIDS, đồng thời đề nghị thực hiện đúng quy định để bệnh nhân được hưởng đúng quyền lợi BHYT.

Bị cắt viện trợ, tại sao?

Trong suốt một thập kỷ (2008 - 2018), nguồn tài trợ điều trị ARV ở nước ta chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn PEPFAR (Mỹ), Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, và số ít từ ngân sách nhà nước. Việc điều trị ARV giúp 94% người nhiễm HIV kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên hiện nay, khi nước ta ngày một phát triển, các cơ quan viện trợ quốc tế quyết định chuyển dần phân bổ kinh phí cho các nước có nguồn lực hạn chế, tình hình HIV trở nên nghiêm trọng hơn. Điều trị ARV từ lâu được đánh giá là một chiến lược quan trọng nhất nhằm duy trì bền vững chương trình điều trị HIV/AIDS.

40.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thẻ BHYT

TTO - Đến nay cả nước có 188 cơ sở cấp phát thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Bộ Y tế, phấn đấu đến cuối năm 2019 có khoảng 40.000 bệnh nhân nhiễm HIV được nhận thuốc ARV thông qua BHYT.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp