Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính bổ sung nội dung xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của dự án BOT mở rộng quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về các nội dung còn vướng mắc, theo Bộ Giao thông vận tải, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đề nghị giữ nguyên phí bảo toàn vốn 8,7%/năm trong giai đoạn đầu tư, khai thác theo quy định tại hợp đồng dự án.
Còn căn cứ theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã loại phí bảo toàn 8,7%/năm ra khỏi phương án tài chính của dự án. Việc này dẫn đến rút ngắn thời gian thu phí BOT quốc lộ 51.
Về thời gian thu phí tạo lợi nhuận, nhà đầu tư cũng đề nghị giữ nguyên bốn năm. Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam đã tính phương án tạo lợi nhuận theo kỳ vọng và tiến hành đàm phán với nhà đầu tư.
Từ năm 2019, hai bên đã trải qua 19 phiên đàm phán nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ đường bộ, dự án BOT quốc lộ 51 đã tạm dừng thu phí từ tháng 1-2023.
Theo hợp đồng và các quy định liên quan, trong thời gian thực hiện hợp đồng, trách nhiệm bảo trì công trình thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Tuy nhiên nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị tạm dừng bảo trì và bàn giao tài sản cho Cục Đường bộ Việt Nam với chiều dài 72,7km, bao gồm đường và cầu. Các hạng mục như nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí và các tài sản khác phục vụ dự án vẫn chưa bàn giao.
Để tiếp tục giải quyết các vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải hiện đã thành lập tổ rà soát một số nội dung tồn tại của dự án BOT quốc lộ 51, đồng thời chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục làm việc và đàm phán với nhà đầu tư.
Theo Bộ Giao thông vận tải, công tác quản lý, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến chính của quốc lộ 51 là rất cấp thiết. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có tính đặc thù, phục vụ mục đích công cộng, dân sinh, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng...
Trong bất cứ hoàn cảnh, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tổ chức quản lý, khai thác để đảm bảo thông suốt và an toàn.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đã được nhà đầu tư bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam, nhằm kịp thời tổ chức, thực hiện quản lý, bảo trì và khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận