21/06/2017 11:14 GMT+7

Quốc hội yêu cầu tăng chế tài xử lý thực phẩm bẩn

​LÊ KIÊN
​LÊ KIÊN

TTO - Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 3 sáng nay 21-6, Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết liên quan đến công tác giám sát, trong đó có nghị quyết về an toàn thực phẩm và về kết quả chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Kỳ họp thứ 3 đã có chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận" - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đã có những đổi mới, cải tiến quan trọng, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận”.

Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời chúc mừng đội ngũ những người làm báo nhân 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN. Bà mong các nhà báo luôn sát cánh cùng cử tri, đóng góp có ý nghĩa vào các hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tăng chế tài, rõ trách nhiệm

Tại Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, Quốc hội khẳng định nguyên nhân các hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này “do yếu tố chủ quan là chủ yếu, trước hết thuộc về sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp”.

Cùng với đó là “sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng”.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: để khắc phục những tồn tại, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020, giao Chính phủ khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Việc sửa đổi các văn bản pháp luật phải theo hướng “quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật”.

“Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm” - Nghị quyết nêu.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi khép kín, áp dụng chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hệ thống kiểm soát chất lượng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, bảo đảm an toàn thực phẩm, có lộ trình giảm tỷ trọng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kém chất lượng.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm trước vào kỳ họp đầu năm sau.

Xử nghiêm sai phạm trong đóng tàu vươn khơi

Đối với nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, về phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Quốc hội yêu cầu ngay trong năm 2017, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cũng trong năm 2017 hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công Thương sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; làm tốt công tác quản lý, tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…

Đồng thời “tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Nghị định số 67 năm 2014 của Chính phủ, và có giải pháp khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thời gian qua, sớm hoàn thành chỉ tiêu đóng 2.284 tàu được phân bổ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng”.

Với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Quốc hội yêu cầu khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn.

“Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy sự tham gia của Nhân dân, tổ chức nghề nghiệp về du lịch đảm bảo việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đúng quy định của pháp luật. Chú trọng liên kết vùng trong khai thác, phát triển du lịch” - Nghị quyết nêu.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều luật và nghị quyết quan trọng - Ảnh: Quochoi.vn


Năm 2020 không còn bệnh viện quá tải

Đó là một trong những yêu cầu Quốc hội đặt ra cho ngành y tế sau khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Theo đó, Quốc hội giao ngành này tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, liên thông kết quả xét nghiệm, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người bệnh.

Nghị quyết nêu rõ: “Có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để khắc phục tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ, trục lợi từ Quỹ BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực y tế. Thực hiện lộ trình thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu... để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên qua từng năm; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản không còn tình trạng quá tải bệnh viện”.

Đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết của Quốc hội lưu ý phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ tiêu cực trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý, cắt giảm vốn đầu tư, đình, hoãn đối với dự án, công trình chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Năm 2018 giám sát cổ phần hoá DNNN

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”.

Quốc hội giao Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn.

​LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp