11/09/2023 09:38 GMT+7

'Quốc hội trẻ em' tự tin, chững chạc

HÀ THANH
và 1 tác giả khác

Lần đầu tiên 263 trẻ em từ 63 tỉnh thành trong vai đại biểu Quốc hội dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" ngay tại hội trường Diên Hồng vào hôm 10-9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” - Ảnh: BẢO KHANH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trẻ em tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” - Ảnh: BẢO KHANH

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều vị lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội nhí khá chững chạc, phong thái tự tin mang đến bầu không khí tươi trẻ dù lần đầu tham gia mô hình này. 

Chương trình do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề kiến nghị tại phiên họp giả định này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Bàn câu chuyện của chính mình

Gương mặt nổi bật Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) được chọn làm chủ tịch "Quốc hội trẻ em". Cùng điều hành còn có các bạn khác trong các vị trí: phó chủ tịch, tổng thư ký Quốc hội và các bộ trưởng. Giữa hội trường Diên Hồng vốn quá quen thuộc với các kỳ họp Quốc hội, các bạn nhỏ điều hành phiên họp bằng giọng nói dõng dạc, phong thái tự tin.

Nội dung chính của phiên họp cùng bàn hai vấn đề được trẻ em quan tâm hiện nay: bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Đại biểu Ngô Thị Kim Cương (Tây Ninh) chỉ ra thực trạng trẻ tiếp xúc mạng xã hội quá sớm, chưa đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Cùng với đó, "hàng rào kỹ thuật" phòng ngừa xâm hại trẻ trên môi trường mạng chưa được quan tâm đúng mức, còn xem nhẹ việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em.

"Hơn ai hết, gia đình, nhất là cha mẹ, cần làm lá chắn cho trẻ nên càng phải chủ động tìm hiểu, ứng dụng công nghệ để kiểm soát thông tin của con, hướng dẫn con kiến thức cơ bản, cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để con tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng", Kim Cương đề xuất.

Trước câu chuyện phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đại biểu Trương Phước Minh (Quảng Trị) cho rằng một trong những nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ khoảng cách khiến cha mẹ khó làm bạn cùng con và con khó chia sẻ với cha mẹ. 

Đại biểu này đề xuất có thể mở lớp tập huấn kỹ năng, tuyên truyền các mô hình, cuộc thi có sự đồng hành của phụ huynh cùng với con nhằm tạo sự sẻ chia, kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Kết lại phần thảo luận, giải trình, chất vấn, chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Đặng Cát Tiên đề nghị các đại biểu thiếu nhi sớm báo cáo cử tri trẻ em cả nước kết quả phiên họp. Đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của trẻ em.

Trở thành đại biểu của phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" là niềm tự hào. Vì hoạt động có quy mô lớn, được các cấp lãnh đạo quan tâm, cũng là nơi hội tụ nhiều bạn nhỏ tài năng nên mọi người đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Cá nhân mình cần phải cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân thêm nữa.

Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" ĐẶNG CÁT TIÊN
Đại biểu trẻ em phát biểu thảo luận tại phiên họp giả định về câu chuyện thời sự của trẻ em hiện nay - Ảnh: BẢO KHANH

Đại biểu trẻ em phát biểu thảo luận tại phiên họp giả định về câu chuyện thời sự của trẻ em hiện nay - Ảnh: BẢO KHANH

Tiếng nói của trẻ góp phần thay đổi thế giới

Hoan nghênh Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương và các đại biểu thiếu nhi đã chọn hai chủ đề thời sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng khi các đại biểu nhỏ tuổi chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, cho thấy sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn khi phát biểu. Ông đánh giá phần thảo luận cùng nhiều đề xuất, kiến nghị là xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ.

Chủ tịch Quốc hội nhận định phiên họp giả định ý nghĩa và hiệu quả, thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị - xã hội. Qua đó góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

"Thực tế cho thấy tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới. Ý kiến thảo luận của các cháu, đặc biệt nghị quyết của phiên họp giả định, cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em", ông Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 

Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội cần làm tốt vai trò giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em.

Tiếng nói từ tương lai

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dành nhiều lời khen và nói rất ấn tượng với phiên thảo luận, chất vấn, giải trình về những vấn đề thời sự, cấp thiết liên quan đến trẻ em tại phiên họp. Ông nói những phát biểu này là nguyện vọng mà trẻ em Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ, cũng là "tiếng nói từ tương lai" đặt ra cho sự phát triển của đất nước ngay chính tại nghị trường hôm nay.

Phó thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các ban, ngành, địa phương nỗ lực xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện. Trong đó chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, không gian công cộng, gia đình và trên môi trường Internet.

Ông gợi ý nên có các phiên họp lựa chọn nhiều vấn đề khác như giáo dục, văn hóa học đường, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... "Các bạn chững chạc, hiểu biết sâu sắc, tư duy mạch lạc, khả năng hùng biện sắc sảo, tinh thần trách nhiệm trước các vấn đề "nhỏ mà không nhỏ" ở chính lứa tuổi của mình", ông Hà nhận xét.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lăng Bác trước khi vào phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” - Ảnh: H.THANH

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lăng Bác trước khi vào phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” - Ảnh: H.THANH

Đại biểu trẻ em lên tiếng

Bên lề phiên họp chính thức, một số đại biểu trẻ em cùng chia sẻ góc nhìn cá nhân khi lần đầu tiên dự hoạt động này.

NGUYỄN HOÀNG THẮNG (TP.HCM):

Trẻ cần có kỹ năng tự bảo vệ

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu tìm hiểu, tiếp thu công nghệ của người dân, trong đó có trẻ em, khá lớn. Thời gian tương tác trên mạng nhiều hơn, nhưng liệu trẻ có được an toàn trên mạng không?

Cần giáo dục cho trẻ kỹ năng nhận biết, ứng phó và xử lý với tình huống xấu, khi bị tác động, lợi dụng trên mạng. Tương tự vậy, cần có chương trình giáo dục giúp trẻ phòng chống tai nạn thương tích. Nhất là giúp trẻ kiến thức biết tự bảo vệ mình khi gặp tình huống xấu. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp và cùng vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan.

Cá nhân mình mong có thể trở thành đại biểu Quốc hội trong tương lai, đại diện cho người dân địa phương mình để đóng góp ý kiến, kiến nghị vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HOÀNG TRÀ MY (Nghệ An):

Mong có nhiều lớp dạy bơi miễn phí

Mình trăn trở nhất vấn đề tai nạn thương tích, đuối nước của trẻ em. Hè ở vùng nông thôn, miền núi rất nóng nên các bạn hay tìm đến các ao hồ, sông suối giải nhiệt và đó cũng là một nguy cơ đuối nước.

Mình mong có những lớp học dạy bơi miễn phí cho các bạn khó khăn ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện học bơi. Có thể đặt biển báo cấm hay gắn đèn, âm thanh phát tín hiệu cảnh báo các khu vực nguy hiểm cho trẻ dễ nhận diện.

LÊ QUANG VINH (Hòa Bình):

Tăng nặng xử phạt, chế tài đủ răn đe

Phiên họp "Quốc hội trẻ em" đã tạo điều kiện cho chúng mình học hỏi, quan trọng nhất được lên tiếng về vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng tạo động lực để phấn đấu học và rèn luyện tốt hơn nữa.

Mình cho rằng không chỉ tăng cường chỉ đạo mà cần có giải pháp căn cơ trong tuyên truyền, phổ biến và giáo dục bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nội dung liên quan kiến thức bảo vệ trẻ em trên mạng, đưa vào chương trình học tập ngoại khóa và qua sinh hoạt Đoàn, Đội.

Để tăng cường trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ, phải tăng nặng, có hình thức chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

LỪU VÂN CHI (Lai Châu):

Quan tâm hơn trẻ vùng cao

Mình quan tâm chủ đề bảo vệ trẻ em trên mạng. Địa phương mình rất nhiều bạn sử dụng Internet nhưng lại chưa có sự hướng dẫn hay kiểm soát tốt trên mạng. Đã có bạn bị vướng vào tệ nạn, có bạn bị dụ dỗ đi làm thuê.

Làm sao đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh để quản lý con trên mạng tốt hơn. Cá nhân mình mong các cô chú lãnh đạo quan tâm nhiều hơn đến trẻ em vùng cao nói chung, trẻ em ở Lai Châu nói riêng, để chúng mình có sân chơi, bể bơi, được tham gia các hoạt động trải nghiệm an toàn.

Thiếu nhi đóng vai Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổiThiếu nhi đóng vai Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi

Sáng 10-9, 263 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho 15 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên cả nước tham gia phiên họp giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ nhất, năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp