28/09/2024 20:50 GMT+7

'Quốc hội trẻ em' kiến nghị cách chống thuốc lá điện tử

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

Nhìn người lớn hút thuốc lá điện tử, trẻ em nghĩ không có hại, hoặc hút thuốc để chứng minh mình đã lớn.

Tại sao thuốc lá điện tử hấp dẫn học sinh? - Ảnh 1.

Các đại biểu trẻ em dành nhiều thời gian tranh luận giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá - Ảnh: HÀ QUÂN

Chiều 28-9 tại Nhà Quốc hội, hơn 300 đại biểu trẻ em tiêu biểu cả nước chia thành 12 tổ thảo luận về phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường. 

Chương trình thuộc phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Kiểm soát người mua thuốc lá điện tử bằng Face ID, vân tay

Tại tổ thảo luận số 12, đại biểu Hoàng Hà Linh (đoàn Hà Giang) cho hay có nhiều nguyên nhân khiến học sinh hút thuốc lá điện tử như thiếu bản lĩnh, muốn tìm thú vui mới lạ, chứng tỏ bản thân trưởng thành, bắt chước người lớn, việc mua bán dễ dàng…

Theo Linh, các nhà trường có thể tổ chức các buổi sinh hoạt phản biện về tác hại của thuốc lá, để chính học sinh đề ra giải pháp và tăng truyền thông trên mạng xã hội với nội dung ngắn gọn, nhiều hình ảnh…

Đại biểu Trần Bảo Châu (đoàn Hà Nam) nói chính các quảng cáo thuốc lá điện tử “an toàn hơn” thuốc lá truyền thống, nhiều hương vị đa dạng, thiết kế bắt mắt thu hút thanh thiếu niên.

Ngoài giáo dục, truyền thông về tác hại, cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ quảng cáo bán thuốc lá điện tử, siết chặt kiểm tra độ tuổi người mua.

Tại sao thuốc lá điện tử hấp dẫn học sinh? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Diệp (đoàn Bình Định) nêu nhiều giải pháp quản lý chặt mua bán thuốc lá điện tử, tăng thuế để hạn chế người mua - Ảnh: HÀ QUÂN

Còn đại biểu Lê Hoàng Nguyên (Vĩnh Long) nêu giải pháp xác minh người mua bằng dấu vân tay, Face ID (nhận diện khuôn mặt) để tránh trẻ mượn căn cước công dân của người lớn để mua thuốc lá điện tử.

Với tranh luận con có thể lợi dụng lúc cha mẹ ngủ để lấy trộm vân tay, Lê Hoàng Nguyên đề xuất có thể thêm mã định danh nếu hai giải pháp kia thất bại.

Về lâu dài, theo đại biểu, cơ quan công an cần làm rõ hơn việc có thực sự các hàng quán, siêu thị chỉ bán thuốc lá cho người lớn hay bán cho cả trẻ em để xử lý nghiêm.

Truyền thông tác hại thuốc lá, chất kích thích nên làm theo hướng truyền miệng vì thầy cô nói nhiều nội dung, khó cho học sinh nắm bắt, nhớ ngay.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Diệp (đoàn Bình Định) nêu ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông phải kiểm soát quảng cáo, thông tin về thuốc lá điện tử. Các bộ Công an, Công Thương cấm bán thuốc lá, chất kích thích gần trường học, khu dân cư, trung tâm thương mại, thậm chí tăng thuế.

“Nếu nhập hàng giá cao thì người ta phải bán giá cao, nếu bán giá cao thì sẽ ít người mua”, Diệp phân tích.

Tại sao thuốc lá điện tử hấp dẫn học sinh? - Ảnh 3.

Đại biểu các đoàn TP.HCM, Hà Tĩnh, Quảng Ninh đưa giải pháp hạn chế thuốc lá điện tử trong trường học - Ảnh: VŨ TUẤN

Trẻ em bắt chước người lớn hút thuốc

Ở tổ thảo luận số 5, đại biểu Lê Huyền Trang (đoàn TP.HCM) nêu quảng cáo thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất kích thích công khai cả trên mạng xã hội, nhắm đến người trẻ như học sinh. Để hấp dẫn người mua, nhiều loại có mùi vị gây tò mò như vani, gà rán...

Để học sinh tránh xa thuốc lá điện tử, đại biểu Khôi Nguyên (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng các trường có thể đổi mới truyền thông bằng công nghệ mới như kính thực tế ảo.

"Học sinh rất thích xem thực tế ảo, vậy thì chúng ta làm video thực tế ảo về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất kích thích để các bạn ấy hiểu được và không dám sử dụng”, Nguyên chia sẻ.

Phản biện lại, đại biểu Đinh Thu Trà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng đây là giải pháp không phải trường học nào cũng làm được.

“Chúng ta có thể xây dựng những bài test (kiểm tra) ngắn gọn trên điện thoại di động kèm các clip sinh động, thực tế trên điện thoại để học sinh dễ tiếp nhận” - Thu Trà nói.

Theo đại biểu này, việc tuyên truyền tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử không chỉ nhắm đến học sinh, trẻ em mà cả người lớn. 

Chính người lớn, hằng ngày hút thuốc lá, khiến trẻ em học theo. Nhìn người lớn hút, trẻ em sẽ nghĩ không có hại hoặc hút thuốc để chứng minh mình đã lớn.

Tại sao thuốc lá điện tử hấp dẫn học sinh? - Ảnh 4.Ma túy 'đội lốt' trong thuốc lá điện tử, nhập viện suy đa tạng

Một nam sinh 20 tuổi (Hà Nội) bất ngờ nhập viện cấp cứu lúc rạng sáng với tình trạng co giật, bất tỉnh sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên chàng trai này phải nhập viện vì loại "khói thơm" này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp