19/10/2020 15:14 GMT+7

Quốc hội sẽ mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man và chiến sĩ, đồng bào hi sinh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đầu giờ sáng mai 20-10, tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm liệt sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man và chia sẻ với sự mất mát do thiên tai của đồng bào, chiến sĩ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Quốc hội sẽ mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man và chiến sĩ, đồng bào hi sinh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: LÊ KIÊN

Chiều 19-10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo quốc tế về chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc lúc 9h sáng mai 20-10, kết nối trực tuyến đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong cả nước.

"Quốc hội chia sẻ với mất mát của đồng bào, chiến sĩ"

Phóng viên Tuổi Trẻ hỏi: "Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ có phút mặc niệm đại biểu, thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Văn Man vừa hi sinh khi chỉ huy cứu hộ, cứu nạn ở miền Trung. Quốc hội cũng tiến hành thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc. Xin tổng thư ký cho biết cảm xúc của ông về hai hình ảnh trái ngược này?".

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: "Thiên tai, bão lụt đã hoành hành tại một số tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Đồng bào các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai đang phải gồng mình chống chịu. Để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại do bão lũ, các đơn vị quân đội đã rất tích cực tham gia công tác hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn trong suốt thời gian qua.

"Đối mặt với hiểm nguy, không may là một số cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh. Đây là điều làm chúng ta rất đau xót, những mất mát quá lớn, trong đó có sự hi sinh của đại biểu Quốc hội, phó tư lệnh Quân khu 4, thiếu tướng Nguyễn Văn Man.

Tại phiên họp trù bị vào sáng mai 20-10, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm liệt sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man và chia sẻ với sự mất mát của đồng bào, chiến sĩ".

Tuy nhiên, tổng thư ký cho rằng "không nên so sánh với hình ảnh bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc".

"Quốc hội tôn vinh người có công, xử lý thích đáng đối với vi phạm. Ông Phạm Phú Quốc đã có vi phạm, không trung thực, không còn sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân, việc bãi nhiệm sẽ được thực hiện bỏ phiếu kín theo quy định, tiến hành tại đợt 2 của kỳ họp", ông Hạnh Phúc nói.

Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (người đã có thêm quốc tịch đảo Cyprus khi vẫn là đại biểu Quốc hội của Việt Nam) là một trong những nội dung về công tác nhân sự tại kỳ họp này.

Bên cạnh đó là miễn nhiệm các chức danh của hai ông Lê Minh Hưng (thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức chánh văn phòng Trung ương Đảng) và Chu Ngọc Anh (bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã nhậm chức phó bí thư, chủ tịch UBND TP Hà Nội).

Cùng với đó là phê chuẩn bổ nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đối với giám đốc ĐG Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt, và bộ trưởng Bộ Y tế đối với quyền bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng sẽ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Quốc hội sẽ mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man và chiến sĩ, đồng bào hi sinh - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm VPQH Vũ Minh Tuấn thông báo chương trình kỳ họp - Ảnh: LÊ KIÊN

"Nối" lại hoạt động chất vấn

Tương tự kỳ họp trước, kỳ họp này Quốc hội chia làm 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội với 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố (từ 20 đến 27-10).

Trong ngày khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về nội dung này.

Cùng với đó là các báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trong đợt 1 của kỳ họp, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Kết thúc đợt 1, Quốc hội tạm nghỉ ít ngày trước khi họp tập trung tại Nhà Quốc hội (đợt 2) từ ngày 2 đến 17-11. Trong đợt 2, các đại biểu Quốc hội dự kiến sẽ có phiên góp ý các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được xem xét, quyết định tại kỳ họp này.

Sau một kỳ gián đoạn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được "nối" lại, dự kiến từ ngày 6-11 và kéo dài 3 ngày.

Kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)...

Cho ý kiến các dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật phòng chống ma túy (sửa đổi); Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cử tri muốn đại biểu Quốc hội giám sát chuyện Cử tri muốn đại biểu Quốc hội giám sát chuyện 'tăng tải' chương trình tiểu học

TTO - Tiếp xúc đại biểu Quốc hội, cử tri bày tỏ mối lo ngại khi chương trình học, đặc biệt là khối lớp 1 đang tăng nặng, trái ngược với chủ trương giảm tải giáo dục mà Bộ GD-ĐT vẫn luôn khẳng định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp