Sáng 21-10, sau lễ chào cờ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã điều hành nội dung phiên khai mạc.
Ông Định thông tin cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong cơn bão đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử nạn. Để tỏ lòng tiếc thương, Quốc hội dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử nạn.
Trong tiếng nhạc trầm hùng, các đại biểu Quốc hội và khách mời đã dành một phút mặc niệm. Tiếp đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng được phân công điều hành phần mở đầu, giới thiệu khách mời tham dự phiên khai mạc.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các đoàn ngoại giao, khách quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công rất tốt đẹp.
Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cho hay về lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.
Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp, cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Ông Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật.
Theo đó, luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định.
Cùng với đó không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang hướng khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các luật mới cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước và một số nhân sự khác
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội: "Khối lượng công việc của kỳ họp thứ 8 rất lớn". Vì vậy, ông đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận