Quang cảnh kỳ họp - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 15-11, với 484/485 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã đồng ý thông qua nghị quyết kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.
Theo đó, sau 21 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội thông qua 6 dự án luật, 13 nghị quyết; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sang kỳ họp kế tiếp, đồng thời cho ý kiến lần đầu về 7 dự án luật.
Kể từ ngày nghị quyết này được Quốc hội thông qua, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Quốc hội cũng đồng ý bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện.
Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, điều 6 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế nghị quyết số 54 trong thời gian sớm nhất.
Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TP.HCM được tiếp tục thực hiện theo nghị quyết 54 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của nghị quyết 27 của trung ương.
Chính phủ cũng được giao chỉ đạo việc nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Từ năm 2023, Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo chung về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo để báo cáo Quốc hội.
Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Trong đó Quốc hội cũng lưu ý, khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại nghị quyết số 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
Giải trình trước đó liên quan đến đề nghị bổ sung việc xây dựng dự án Luật đạo đức công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nội dung về đạo đức công vụ đã được quy định lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức….
Hơn nữa, theo định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV chưa giao việc nghiên cứu, xây dựng dự án luật này.
Để có đủ căn cứ, cơ sở bổ sung vào dự thảo nghị quyết, cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận