Voker Beck, một nghị sĩ của Đảng Xanh vui mừng khi Quốc hội Đức thông qua hôn nhân đồng giới - Ảnh: Reuters |
Tờ AP và Washington Times cho biết các nghị sĩ Đức đã bỏ phiếu sau một cuộc tranh luận ngắn nhưng rất gay gắt về vấn đề này. Bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel là người bỏ phiếu chống nhưng chính bà là người dọn đường cho hôn nhân đồng giới trở thành hợp pháp tại Đức.
Hồi thứ hai 26-6 vừa qua, bà Merkel nói rằng các nhà làm luật có thể xem vấn đề hôn nhân đồng giới là 'câu hỏi của lương tâm' và cho phép từng thành viên trong liên minh cầm quyền bỏ phiếu riêng rẽ. Trước đó, liên minh cầm quyền của bà Merkel phản đối hôn nhân đồng giới.
Chính quyết định này của bà Merkel đã khiến các đối thủ nhanh chóng kêu gọi một cuộc bỏ phiếu và đưa vấn đề hôn nhân đồng giới vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong ngày 30-6. Đây cũng là phiên Quốc hội cuối cùng trước khi Đức bước vào cuộc bầu cử trong ngày 24-9.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, bà Merkel nói rằng ủng hộ các cặp đồng giới nhận con nuôi nhưng vẫn giữ quan điểm rằng hôn nhân phải được tác hợp giữa một nam và một nữ.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, việc mở đường cho hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa giúp bà Merkel tháo dỡ một vấn đề mà các đối thủ của bà đang nhắm đánh vào trong cuộc bầu cử tháng 9.
Hãng tin AP cho biết trong gần 12 năm làm thủ tướng, bà Merkel đã đưa đảng của mình dần đi vào trung lập, thay vì bảo thủ chính thống như trước đó.
Được biết, kể từ năm 2001 Đức đã đồng ý công nhận các cặp đôi đồng tính nhưng chưa cho phép các cặp đôi này quyền đầy đủ như những vợ chồng dị tính. Chẳng hạn cặp đôi đồng tính không được nhận con nuôi.
Katrin Hugendubel, giám đốc Hiệp hội LGBT châu Âu, nhận định với tờ Washington Times rằng việc Đức công nhận hôn nhân đồng giới sẽ mở đường cho các quốc gia có ngôn ngữ gần Đức như Áo, Thụy Sĩ... tiến tới hợp pháp hóa vấn đề này.
Tại châu Âu, ngoài Đức, một số nước như Ireland, Pháp, Tây Ban Nha... cũng đã công nhận hôn nhân đồng giới.
Hãng tin AP cho biết luật mới sẽ chưa có hiệu lực trong ít nhất vài tháng nữa, vì còn cần thêm vài bước mang tính thủ tục, trong đó có việc tổng thống ký thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận