Người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn tiến hành theo quy định của pháp luật - ảnh: Lê Kiên
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online chiều tối 7-3, Tổng thư ký kiêm người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thông tin một số tờ báo đăng tải về việc "có thể lấy phiếu tín nhiệm sớm" là dựa vào dự kiến ban đầu về chương trình phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
"Chưa bàn chuyện này"
"Lúc đầu có dự kiến chương trình họp như vậy, nhưng nội dung này đã được đưa ra khỏi chương trình phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ vẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cũng khẳng định với Tuổi Trẻ Online là "chưa có chuyện lấy phiếu tín nhiệm sớm, bởi nếu thực hiện như vậy thì chúng tôi phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình cấp có thẩm quyền và phải sửa quy định của pháp luật".
Theo quy định tại Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội, HĐND sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh nêu trên sẽ được Quốc hội, HĐND tiến hành vào kỳ họp cuối năm 2018 theo đúng quy định.
Trong ngày 7-3, một số tờ báo đăng tin việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị "đẩy" việc lấy phiếu tín nhiệm lên một kỳ họp, tức là tiến hành luôn việc này vào kỳ họp giữa năm 2018. Các báo không nêu lý do của kiến nghị này.
Theo dự kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp thứ 22 vào đầu tuần tới (12-3), cho ý kiến một số dự án như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học...
Phiên họp cũng sẽ quyết định cho ông Ngô Đức Mạnh, người vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Liên bang Nga, thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (trái) và bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh sắp trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Thí điểm chất vấn "hỏi nhanh đáp gọn"
Cũng trong khuôn khổ phiên họp thứ 22, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh.
Theo kế hoạch đã được phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ký, bộ trưởng Tư pháp sẽ trả lời về các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản dưới luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bộ trưởng các bộ Nội vụ, Thông tin - truyền thông, Giáo dục - đào tạo cũng phải tham gia trả lời.
Bộ trưởng Khoa học - công nghệ thì có các nội dung về hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế, kiểm soát nhập khẩu công nghệ...
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục - đào tạo cùng giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Được biết, phiên chất vấn này sẽ thí điểm đổi mới theo hướng tạo tương tác lớn hơn giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Theo đó, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, "chất vấn và trả lời chất vấn ngay".
Đại biểu được yêu cầu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người được chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, không quá 3 phút/lần). Đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận, nhưng thời gian tranh luận ngắn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận