Sáng nay (23-3), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV. Ông cho biết kỳ họp sẽ được khai mạc vào 9h sáng mai (24-3) và dự kiến bế mạc ngày 8-4.
"Trọng tâm của kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội, là tổng kết công tác nhiệm kỳ, kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước. Lần này chỉ kiện toàn một số chức danh và vẫn thuộc khóa XIV" - ông Phúc cho hay.
Phóng viên đặt câu hỏi là kỳ này bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo, vậy đến tháng 7 đầu nhiệm kỳ mới có bầu lại hay không? Nếu bầu lại thì vẫn là những người đó thì có tốn thời gian để thực hiện các thủ tục không?
Tổng thư ký Quốc hội giải thích, sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một số lãnh đạo trong bộ máy nhà nước không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương, do đó Quốc hội sẽ phải kiện toàn các chức danh của những người này, đảm bảo kịp thời thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công việc nhà nước.
"Khóa XIII Quốc hội cũng đã kiện toàn một số chức danh sau đại hội của Đảng. Về luật pháp thì không vướng gì cả. Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm và kiện toàn đợt này là thẩm quyền của Quốc hội khóa XIV. Đến tháng 7 này chúng ta có Quốc hội khóa XV".
"Theo quy định của Hiến pháp, có một số chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu, thì lần này là tuyên thệ thuộc khóa XIV. Đến đầu nhiệm kỳ sau có thể bầu lại người đó, có thể bầu người khác, nhưng đương nhiên là người nào được bầu vào chức danh đó thì vẫn phải tuyên thệ", ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.
Trước câu hỏi tới đây sẽ giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước, vậy những người được giới thiệu để Quốc hội bầu làm chủ tịch Quốc hội và thủ tướng Chính phủ là ai, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, quy trình nhân sự ở Quốc hội chặt chẽ, trước hết phải miễn nhiệm chức danh của người không tiếp tục đảm nhiệm, sau đó mới bầu người được giới thiệu vào vị trí đó.
"Quốc hội lần này sẽ kiện toàn các chức danh chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội và một số chức danh khác. Tổng cộng khoảng 25 chức danh sẽ được bầu và phê chuẩn", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Về công tác lập pháp, kỳ này Quốc hội chỉ dành nửa ngày để xem xét, thông qua dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi).
Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước…; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận