09/05/2014 08:16 GMT+7

Quốc gia hung hăng sẽ phải trả giá

L.THANH - V.V.THÀNH ghi
L.THANH - V.V.THÀNH ghi

TT - Thomas Friedman - tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng, người ba lần đoạt giải Pulitzer - đã nói như trên trong cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội chiều 8-5.

7F7u88HY.jpgPhóng to
Ông Hoàng Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang), viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao, trao đổi với ông Thomas L.Friedman (bìa trái) về các câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến còn có TS Hoàng Anh Tuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao). Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số nội dung chính của cuộc giao lưu trực tuyến này.

“Đi nhẹ nhàng và mang theo cái gậy thật to”

* Các nhân tố sẽ làm cho thế giới phẳng hơn trong 10-15 năm tới có khác gì so với các nhân tố làm phẳng thế giới cách đây 10 năm khi ông viết Thế giới phẳng?

- Tôi nghĩ rằng có bốn nhân tố. Đầu tiên là các công cụ có thể giúp chúng ta tạo ra các nội dung, từ máy tính cá nhân đến điện thoại thông minh mà trong giai đoạn tới sẽ rẻ hơn, nhẹ hơn và nhanh hơn. Thứ hai là khả năng gửi thông tin nói trên từ Internet đến các mạng không dây tốc độ cao hơn. Thứ ba là khả năng phối hợp với nhau từ phần mềm xử lý công việc (workflow software) đến các trang mạng xã hội, công nghệ đám mây và giai đoạn tiếp theo là sự tiếp cận dễ dàng và rẻ hơn. Thứ tư là chuyển từ Google sang các phần mềm mạnh hơn, khả năng tìm kiếm nội dung lớn hơn, truy cập định dạng, chuyển đổi nội dung thành dịch vụ của chúng ta.

* Ông từng ủng hộ lý thuyết vòng cung vàng, cho rằng chưa có hai nước nào có tiệm ăn McDonald’s từng giao chiến với nhau từ khi có mặt McDonald’s. McDonald’s mới xuất hiện ở TP.HCM và tất nhiên có nhiều tiệm McDonald’s ở Trung Quốc. Nhưng va chạm trên biển Đông hiện rất căng thẳng, liệu lý thuyết trên vẫn sẽ đứng vững?

- Ông Thomas Friedman: Trước hết, lý thuyết của tôi nói không phải về căng thẳng hay xung đột mà là chiến tranh và tôi hi vọng là Trung Quốc và Việt Nam sẽ không có chiến tranh với nhau. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói một cách rất thẳng thắn rằng lý thuyết này không phải là lý thuyết hoàn chỉnh, tôi viết như thế thì không có nghĩa là chiến tranh sẽ hoàn toàn không xảy ra.

Tôi chỉ muốn nói là toàn cầu hóa sẽ giúp cho việc làm giảm căng thẳng, giảm sự xung đột giữa các quốc gia. Toàn cầu hóa cũng đảm bảo rằng các quốc gia hành động một cách hung hăng, một cách bất cẩn, mang tính đe dọa đối với các nước láng giềng sẽ trả một cái giá lớn hơn và nhanh hơn so với trước kia.

* Theo ông, người dân Việt Nam nên phản ứng thế nào và làm gì trong tình hình ở biển Đông đang nóng lên với việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến biển Việt Nam?

- Việt Nam vẫn đang tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia theo cách hiểu của mình về luật quốc tế và theo tôi, cần tiếp tục làm việc đó thông qua các kênh pháp lý. Tuy nhiên, Việt Nam cần có bạn bè để có thể tiếp cận với sức nặng của Trung Quốc. Ngoài ra, phải đưa vấn đề này ra các diễn đàn luật pháp quốc tế, thông qua các mối quan hệ, ví dụ như với các nước ASEAN. Phương châm là “đi nhẹ nhàng và mang theo cái gậy thật to” (cười).

* Ông nhận định thế nào về sức mạnh cứng, sức mạnh mềm của một quốc gia, cụ thể về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của VN?

- Sức mạnh cứng rõ ràng là sự kết hợp kinh tế và quân sự, và chúng được đo bằng số lượng vũ khí cũng như tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sức mạnh mềm là khả năng bạn xây dựng đất nước của mình khiến các quốc gia khác muốn học hỏi. Đó là cách tôi quan niệm về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việt Nam sẽ có sức mạnh mềm nếu các nước láng giềng muốn học theo mô hình của Việt Nam.

Việt Nam cần cải cách nhanh hơn

* Trong thế giới phẳng của 10-15 năm tới, đâu là thách thức cho các nước đang phát triển như Việt Nam?

- Khi thế giới được kết nối ở mức độ cao và phụ thuộc lẫn nhau thì các nước bị tụt hậu nhanh hơn và cũng có cơ hội để đuổi kịp nhanh hơn. Nếu như phát triển được các yếu tố nền tảng một cách đúng đắn như nhà nước pháp quyền, nền giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng tốt thì các nước nhỏ và đang phát triển như Việt Nam sẽ theo kịp thời đại nhanh chóng.

Nhà nước pháp quyền có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát huy sự sáng tạo. Người dân sẽ cảm thấy tự tin để sáng tạo nếu họ cảm thấy an toàn và nhận được lợi ích từ sáng tạo của họ. Theo tôi, ngày nay gần như tất cả công việc tạo ra thu nhập tốt đều đến từ các công ty mới thành lập.

* Đang có nhiều tranh luận về việc Việt Nam có rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình hay không và làm thế nào để thoát “bẫy”, ông có nhận định gì về câu chuyện này?

- Đạt được mức thu nhập trung bình là thực hiện các biện pháp cải cách ban đầu giúp thu nhập người dân Việt Nam tăng từ 2 USD/ngày lên 5 USD/ngày. Thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình tức là nâng mức thu nhập lên tới 5-10 USD/ngày, thậm chí 20 USD/ngày. Để làm được việc này, Việt Nam cần tiến hành cải cách sâu rộng hơn để giúp giải phóng sức lao động của người dân, đặc biệt là sự sáng tạo.Điều này đòi hỏi phải tiến hành tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống giáo dục một cách thật sự.

Ngoài ra, Việt Nam nên tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống luật pháp và tư pháp để bảo đảm sự rõ ràng của hệ thống cũng như cải cách hệ thống chính trị và bầu cử thường xuyên để chọn ra bộ máy lãnh đạo.

* Theo ông, để thành công trong thế giới phẳng, những người trẻ cần phải làm gì?

- Có ba vấn đề các bạn phải quan tâm, đó là: kỹ năng, kiến thức và động lực. Trước hết các bạn nên tập trung học tốt các môn như toán học, tin học - là những môn khoa học cơ bản mà nếu không được trang bị các bạn sẽ không thể sáng tạo. Sau đó các bạn cần có và biết cách sử dụng các kỹ năng, tạo ra các giá trị.

Tôi cho rằng ông chủ đầu tiên của các bạn không quan tâm đến những gì các bạn biết, vì Google biết và cung cấp thông tin về tất cả mọi thứ. Ông chủ đầu tiên sẽ chỉ quan tâm đến các bạn làm được những gì từ kiến thức các bạn có. Và các bạn cần hiểu rằng mình cần có kỹ năng để làm ra các giá trị gia tăng. Cuối cùng, các bạn cần có động lực, đối với các bạn trẻ, thế giới chưa bao giờ “mở” như thế giới ngày nay. Và thế giới không còn những ngăn cách lớn, tất cả chúng ta hoàn toàn có thể tiến lên.

* Đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam. Xin ông chia sẻ về lần đầu tiên và cảm nhận của ông khi trở lại lần này?

- Có quá nhiều thay đổi từ năm 1995 đến nay. Điều rõ nhất là có nhiều ôtô. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn và hiện nay người dân có nhiều tự do hơn trong công việc của mình. 20 năm trước đây, tôi không thể tưởng tượng ra không gian và công nghệ như hiện nay để thực hiện các công việc. Đối với vị khách không thường xuyên như tôi, tôi chứng kiến sự phát triển rất lớn về kinh tế tại đất nước của các bạn.

Tôi thấy có nhiều khát khao hơn từ người dân để tốc độ cải cách tăng lên trong thời gian tới. Và tôi hi vọng rằng những khát khao từ người dân sẽ gặp được quyết tâm của giới lãnh đạo để Việt Nam tiến hành cải cách nhanh, sâu rộng, hiệu quả hơn.

L.THANH - V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp