Phóng to |
Công an nổ mìn phá hầm vàng của người khai thác vàng trái phép Ảnh: Vũ Toàn |
Phóng to |
Công an và người khai thác vàng trái phép mặt đối mặt - Ảnh cắt từ clip |
Phóng to |
Lán trại của người khai thác vàng trái phép trên đồi vàng - Ảnh: Vũ Toàn |
Theo tiếng dân tộc Thái, cắm có nghĩa là vàng, muộn là vui; cắm muộn là vui với vàng. Người dân Cắm Muộn thạo nghề đào đãi vàng từ thời Pháp thuộc. Mới đây, một tay săn vàng chuyên nghiệp từ Thái Nguyên vào “tăm” được đồi vàng này rồi dựa vào người dân địa phương để mở những đợt khai thác rầm rộ.
Cuộc đột kích lần 3
Tàn phá môi trường trầm trọng Đội trưởng đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 3 Phạm Đức Thành cho biết: “Xã Cắm Muộn có 6.000 nhân khẩu, nhưng số người khai thác vàng trái phép chỉ khoảng 300. Người khai thác vàng trái phép đã tàn phá khoảng 500m3 gỗ rừng nguyên sinh để chằng chống hầm, giếng đào vàng. Việc đào đãi vàng làm ô nhiễm toàn bộ 180ha cánh đồng xã Cắm Muộn, gây mất mùa và làm chết trâu bò khiến người dân địa phương này bức xúc suốt sáu tháng nay”. |
Ngày 29-6, hơn 100 cảnh sát Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (PC49), cảnh sát cơ động, kiểm lâm kết hợp với huyện đội, công an huyện, dân quân và công an xã bắt đầu đột kích đồi vàng. Lực lượng này được chia làm hai hướng, luồn rừng tiến vào.
Đại tá Trần Hồng, phụ trách PC49, lau khuôn mặt đẫm mồ hôi, nói: “Đây là cuộc đột kích lần 3. Lần đầu vào tháng 4 đã đẩy đuổi hơn 1.000 người khai thác vàng trái phép khỏi ngọn đồi và tịch thu toàn bộ phương tiện hành nghề. Hai ngày sau đó, khi chúng tôi rút đi, họ quay trở lại ngay. Tình thế này buộc đoàn liên quân tổ chức đột kích lần 2 vào cuối tháng 5. Lần này họ đã kịp tẩu thoát cùng máy móc nhưng chỉ lẩn trốn quanh rừng chờ cho liên quân công an - kiểm lâm rút đi lại tiếp tục ào đến, tăng cường mức độ khai thác để bù lại thời gian đã mất vì bị truy quét”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Đông - phó PC49 - chỉ huy mũi xuất phát từ xã Cắm Muộn tiến vào đồi vàng, chỉ vào tốp người đang gùi 500kg mìn thỏi, trao đổi với chúng tôi: “Hai cuộc trước, chúng tôi vào nhanh rút nhanh nên người khai thác vàng trái phép coi thường. Cuộc này, sau khi đẩy đuổi họ đi phải nổ mìn để đánh sập tất cả hầm hào, giếng đào vàng của họ rồi giao lại chính quyền địa phương và công ty khai thác vàng quản lý, khai thác theo quy định”.
“Cuộc chiến” trên đồi vàng
Sau khi hai hướng nhập làm một vào lúc 12g, đoàn quân truy quét đặt chân trên đỉnh đồi vàng, đại tá Trần Hồng cầm loa kêu gọi trong sự ngỡ ngàng và nhốn nháo của những người khai thác vàng trái phép: “Tôi, đại tá Trần Hồng, trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Nghệ An, và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng kêu gọi tất cả người đào đãi vàng trái phép trên đồi Huồi Háng khẩn trương rời khỏi khu vực này cùng với máy móc, dụng cụ của mình. Nếu ai cố tình không chấp hành rời khỏi đồi Huồi Háng, chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế để bảo vệ tính mạng người dân và vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt”.
Trong lúc tiếng loa vẫn âm vang thì phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cùng các cán bộ chiến sĩ tiếp cận từng lều lán để vận động người khai thác vàng trái phép rời khỏi khu đào vàng. Không ngờ, khác với hai lần trước, lần này chỉ có những đầu nậu người ngoài tỉnh chịu di tản khỏi rừng. Số còn lại hơn 300 người dân xã Cắm Muộn vẫn không chịu rời khỏi đồi Huồi Háng. Lý lẽ của họ là: “Chúng tôi bán trâu, bán bò, thậm chí vay lãi nóng để đầu tư tiền tỉ vào đây. Giờ bỏ về thì lấy gì trả nợ?”. Rồi họ thẳng thừng nói với lực lượng công an: “Các ông có giỏi lắm chỉ ở đây ba ngày thôi. Còn chúng tôi có sống chết gì cũng tại vùng vàng này. Nếu ép chúng tôi, các ông cũng chuẩn bị quan tài đi”.
Rất nhiều lần hàng chục người khai thác vàng trái phép cầm dao, rựa xông lên đồi đòi dựng lại lán trại buộc lực lượng cảnh sát cơ động phải làm hàng rào ngăn lại. Đại tá Trần Hồng tâm sự: “Người khai thác vàng trái phép làm liều giờ lý sự kiểu thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng mình phải không để xảy ra án mạng vì họ cũng là dân. Biện pháp quan trọng là phải biết chờ đợi. Cuối cùng, ai chống đối thì mới ra tay cưỡng chế”. Thượng tá Nguyễn Xuân Đông phân tích: “Dân xã Cắm Muộn thạo nghề đào đãi vàng từ xưa nay. Họ làm thuê cho nhiều đầu nậu khai thác vàng trái phép thập phương nên dễ bị các đầu nậu nấp phía sau xúi giục. Sáng mai, chúng tôi tiến hành nổ mìn đánh sập các hầm vàng trọng điểm”.
Nổ mìn và đặt trạm
Ngày 30-6, chúng tôi tiếp tục theo chân đội nổ mìn đi rà soát lần cuối những hầm vàng trọng điểm. Một kỹ thuật viên nổ mìn tên Thọ chỉ vào một hầm vàng sâu hun hút nói: “Ở đây có khoảng 200 hầm đào ngang sườn đồi. Hầm sâu nhất được đào tới 200m. Các hầm này được đào theo hình xương cá. Có khi hầm này đào thông với hầm bên kia. Đào đến đâu người khai thác vàng trái phép chống cọc đỡ đến đấy. Nếu người chui vào đó đào đất bị sập hầm thì không thể cứu.
Sau khi công an cho nổ mìn đợt đầu tại 22 hầm, giếng thì bên vách núi đối diện người khai thác vàng trái phép cũng cho giội một đợt mìn váng óc để thách thức. Đại tá Trần Hồng cho hay: “Người khai thác vàng trái phép bắt đầu giở thêm trò kháng cự”. Tình hình căng như dây đàn khi từng đợt người khai thác vàng trái phép ra yêu sách cho họ dựng lại lán trại. Tình thế buộc Công an Nghệ An phải điều động thêm 30 chiến sĩ và bốn chó nghiệp vụ lên đồi vàng trong chiều 30-6.
Chiều 1-7, đa số người khai thác vàng trái phép đã chịu rút khỏi đồi vàng, chỉ còn lại sáu lán trại và một số người ra mặt chống đối. Lúc này là thời điểm thích hợp để đại tá Trần Hồng chỉ đạo thuộc cấp mạnh tay cưỡng chế. Cuộc cưỡng chế diễn ra căng thẳng trong ba giờ liền. Đến 18g, toàn bộ đồi vàng mới vắng bóng. Để tránh người khai thác vàng trái phép tái chiếm đồi vàng như những lần trước, Công an huyện Quế Phong cắt cử 15 người ở lại lập điểm chốt chặn bảo vệ đồi vàng. Dưới chân ngọn đồi, một biển cấm khai thác vàng trái phép được dựng lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận