Trường hợp hi hữu này đã khiến nhiều chuyên gia pháp lý tranh cãi về việc xác định bị cáo Đậm có tái phạm hay không?
Chưa đóng án phí, vẫn còn án tích?
Theo hồ sơ, bị cáo Mai Hoài Đậm bị TAND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) xử phạt 5 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, đến ngày 30-10-2011 thì Đậm chấp hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, các quyết định khác của bản án Đậm chưa thực hiện xong.
Trưa 25-5-2020, Đậm cùng 3 người khác đánh bài ăn tiền và bị Công an phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) bắt quả tang. Đậm bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trong thời gian bị tạm giam, ngày 1-10-2020 gia đình Đậm mới đến đóng án phí và hình phạt bổ sung của bản án trước đó (trộm cắp tài sản). Đến tháng 11-2020, TAND quận Thủ Đức xử phạt Đậm 9 tháng tù. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Đậm có tình tiết tăng nặng là tái phạm, bởi khi phạm tội mới bị cáo chưa đóng án phí và hình phạt sung công của bản án trước đó nên chưa được xóa án tích.
Bản án này bị viện trưởng Viện KSND quận Thủ Đức kháng nghị một phần vì cho rằng Đậm không thuộc trường hợp tái phạm, do đã được "đương nhiên xóa án tích". Theo Viện kiểm sát, trường hợp của Đậm thì Chi cục THADS huyện Hồng Dân chưa thụ lý thi hành án nên không ra quyết định thi hành án.
Việc này không thuộc trường hợp "không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan THADS" như hướng dẫn tại công văn 64 ngày 3-4-2019 của TAND tối cao.
Nhiều tranh cãi
Xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM cho rằng với hành vi nêu trên, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đậm mức án 9 tháng tù là đúng người, đúng tội, có căn cứ. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xét bị cáo Đậm có một tiền án và áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm là không đúng, gây bất lợi về nhân thân bị cáo.
Theo cấp phúc thẩm thì năm 2011, Đậm bị TAND huyện Hồng Dân xử phạt 5 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, đến 30-10-2011 thì chấp hành xong hình phạt tù. Ngày 1-10-2020, Đậm nộp án phí và tiền sung công thì cơ quan thi hành án mới ra quyết định thi hành án. Việc chưa nộp tiền là do cơ quan thi hành án chưa nhận được bản án để thi hành, chứ không phải đã thụ lý mà bị cáo chưa nộp.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng thời hiệu thi hành bản án trên là 5 năm kể từ ngày có hiệu lực, tính đến ngày 25-5-2020 đã hết hiệu lực thi hành. Do đó, bị cáo Đậm đương nhiên được xóa án tích. Từ đó, TAND TP.HCM đã sửa án sơ thẩm như nêu trên.
Tuy nhiên, theo TS Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, công văn 64 hướng dẫn trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan THADS nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp án phí và các quyết định khác của bản án là "chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án".
Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại điều 70 Bộ luật hình sự.
Theo đó, công văn này không loại trừ trường hợp người bị kết án không nhận được thông báo, quyết định là do lỗi của cơ quan chức năng (ví dụ tòa án "quên" gửi bản án cho cơ quan THADS hoặc cơ quan THADS "quên" ra quyết định thi hành án...).
Ngay cả trong trường hợp cơ quan THADS không ra quyết định thi hành án thì người này vẫn có nghĩa vụ phải nộp án phí, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường cho nạn nhân...
Có ý kiến cho rằng cơ quan THADS không thụ lý hoặc không ra thông báo, quyết định thi hành án thì người bị kết án không thể nộp các khoản nghĩa vụ được, theo ông Tuấn điều này không hợp lý. Bởi khi tòa tuyên án, bị cáo được nghe tuyên án, nhận bản án thì họ đã biết mình có những nghĩa vụ gì rồi. Do đó, kể cả trường hợp cơ quan THADS không thụ lý hay không ra thông báo, quyết định thi hành án thì họ vẫn phải thi hành các nghĩa vụ được tuyên trong bản án.
Một thẩm phán công tác tại TP.HCM cho rằng pháp luật THADS đưa ra nhiều cách để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay...
Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo, quyết định cơ quan THADS nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí... thì không đương nhiên được xóa án tích. Vì vậy, trường hợp của bị cáo Đậm theo vị thẩm phán này thì không được xem là đương nhiên được xóa án tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận