1. Chỉ trong một buổi sáng, tôi đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc: ngỡ ngàng, hoài nghi, hồi hộp và cuối cùng vỡ òa hạnh phúc! Khoảnh khắc "hai vạch" đó thực sự đã thay đổi cuộc sống vợ chồng tôi. Tròn mười năm trôi qua từ giây phút ấy, nhưng những cảm xúc đó tôi chẳng thể nào quên.
Chồng tôi chấp nhận vượt qua nhiều lời dị nghị, can ngăn từ bạn bè để đến với tôi dù biết rõ tôi gặp khó khăn chuyện con cái. Bản thân tôi cũng chẳng hề che giấu tình trạng của mình và xác định tâm thế nếu nỗ lực hết sức mà vẫn không có con, tôi sẽ giải thoát cho anh.
Vì công việc, sau khi kết hôn chúng tôi phải tạm hoãn kế hoạch "tìm con" đến 2 năm. Thời gian đó vợ chồng tôi không biết bao lần phải trả lời câu hỏi: "Vẫn chưa có gì à?".
Có người còn hỏi theo kiểu châm chọc như: "Không chịu sinh con để tận hưởng sung sướng bản thân à?!". Tôi rất buồn nhưng vẫn phải giả cười.
Các mẹ hiếm muộn đừng vội nản lòng. Thiên thần bé thơ vẫn đang đợi vòng tay yêu thương của các bạn.
Đại Lâm
2. Sau hai năm giải quyết ổn định công việc, vợ chồng tôi vào Bệnh viện Từ Dũ quyết tâm "tìm con". Chúng tôi ngỡ ngàng khi gặp nhiều người cùng cảnh ngộ. Hóa ra số người phải vất vả trong hành trình tìm con nhiều hơn tôi vẫn nghĩ.
Trước đó vài tháng, tôi cũng vài lần ra vô bệnh viện làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết. Hơn nửa tháng, vợ chồng ăn dầm nằm dề ở nhà nghỉ chỉ để mỗi sáng vào viện tiêm thuốc, siêu âm trứng và... uống nước đợi ngày thực hiện IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung).
Tôi phải gắng uống đủ chỉ tiêu mỗi ngày 4 lít nước. Uống tới mức chỉ nhìn chai nước đã thấy mắc ói, nhưng tôi phải tự nhắc mình: tất cả vì "sự nghiệp tìm con" thiêng liêng! Ngày ngày vào viện, gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ, nhất là người đã làm đến nhiều lần vẫn chưa thành công, là vợ chồng tôi lại có thêm động lực và tự an ủi nhau: mình mới lần đầu thôi mà.
Trực tiếp trải qua những ngày dài ở khoa hiếm muộn mới thấy được khát khao có con cháy bỏng đến mức nào đối với những cặp vợ chồng kém may mắn. Và dù hoàn cảnh mọi người chẳng ai giống ai, nhưng hành trình tìm con đều có chung nước mắt - nụ cười.
Sau khi thực hiện IUI, hai tuần chờ đợi tiếp theo của tôi dài như vô tận, nhưng rồi kết quả không mong đợi ập đến: que thử báo "một vạch".
Tôi thất bại lần thứ nhất trong hành trình tìm con. Tôi suy sụp, nghĩ vậy là mình xong rồi! Mình còn trẻ, lại thực hiện IUI ở bệnh viện chuyên khoa hàng đầu mà còn không thành công thì sao có thể mong vào phép mầu nào nữa?
Dù chồng động viên tôi nếu không có con thì vợ chồng ở với nhau thôi cũng tốt hoặc có thể nhận con nuôi, nhưng ý định giải phóng cho chồng của tôi lại càng thêm lớn hơn. Tôi sợ lúc nào đó sẽ ngã quỵ khi phát hiện chồng giấu mình có con riêng. Chẳng thà tôi chủ động ra đi còn tốt hơn!
3. Ba tháng sau, mình tôi quay lại Sài Gòn với ý định làm lần cuối cùng. Tôi sẵn sàng tâm thế ngẩng cao đầu ra đi, giải thoát cho chồng tìm hạnh phúc mới.
Lần này, bạn tôi giới thiệu tôi đến Bệnh viện tư nhân An Sinh, đơn vị hỗ trợ sinh sản và chọn đích danh bác sĩ Giang Huỳnh Như - nữ bác sĩ trẻ mới tu nghiệp ở Úc về. Vì đây là bệnh viện tư mới thành lập đơn vị hỗ trợ sinh sản nên bệnh nhân không đông như bên Từ Dũ.
Bác sĩ Như dành cho tôi nhiều thời gian, giải thích cặn kẽ quá trình thực hiện IUI lần 2 của tôi. Lần này thời gian tiêm thuốc kéo dài gấp đôi so với lần 1, vì mỗi ống thuốc tôi được tiêm trong hai ngày.
Có lẽ do tâm lý lần này không đặt nặng phải thành công cộng với sự chăm sóc của y bác sĩ, tôi đã trải qua gần một tháng ngày nào cũng một mình tới bệnh viện mà không thấy mệt mỏi. Chồng tôi chỉ xuất hiện khi bác sĩ yêu cầu, còn mọi thứ một mình tôi tự làm.
Lại thêm một lần 14 ngày đằng đẵng chờ kết quả. Sáng sớm ngày thứ 14, tôi run rẩy thử que và nghẹn ngào khi nhìn que báo "hai vạch". Tôi tức tốc chạy tới bệnh viện để thử máu cho chắc chắn vì "lỡ đâu que thử bị sai".
Gần 60 phút đợi kết quả ở bệnh viện, tôi đứng ngồi không yên, cũng chẳng dám gọi điện báo cho chồng. Đến khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm máu chắc chắn mình đã "tìm được con" mà nước mắt cứ thế tự lăn dài trên má!
Hạnh phúc ngọt ngào cuối cùng đã mỉm cười với tôi, khi mà tôi đã chuẩn bị tâm thế đón nhận thất bại. Bao nỗi ấm ức vì những lời vô tình hay cố ý gièm pha lâu nay được nước mắt hạnh phúc cuốn trôi hết.
Cảm ơn bác sĩ Giang Huỳnh Như, cảm ơn gia đình và cảm ơn con - thiên thần bé nhỏ đã đem đến cho tôi niềm hạnh phúc vô biên này!
Dù tỉ lệ thành công của những trường hợp hỗ trợ sinh sản không phải là 100%, nhưng các mẹ hiếm muộn đừng vội nản lòng. Thiên thần bé thơ vẫn đang đợi vòng tay yêu thương của các bạn.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận