Đường đến trường tiểu học nằm giữa rừng điều Bom Bo - Bình Phước của các em hôm nay xôn xao với những hương thơm lạ nồng nàn. Hôm nay, Ngày của phở.
Cho đến khi lần đầu tiên tự tay cầm vá để xoay lọc bột, miết lên màng vải nồi hơi tráng một lá bánh, thức một đêm bên nồi hầm xương, tỉ mẩn chọn những thứ gia vị bỏ vào túi vải để hương phở bốc lên thơm nồng… tôi mới nhận ra tình yêu sẵn có trong mình từ lúc nào với món phở.
Đã hai năm từ lúc “Ngày của phở 12-12” được xác lập, trong những chuỗi hoạt động, hàng trăm bạn đọc của Tuổi Trẻ đã gửi đến những bài viết say sưa kể chuyện vị trí của món phở trong ký ức, trong trái tim mình, hàng trăm đầu bếp cũng đến những ngày hội phở, phô diễn kỹ năng, kinh nghiệm, bí quyết, sáng tạo món phở của đời mình.
Tình yêu và niềm tự hào với một tô phở ngon rất thật, bằng tấm bánh mềm dai, bằng thịt mềm ngọt, bằng nước dùng đã đằm lại thanh lại thơm. Thì ra quê hương chính là tô phở ngon này.
Ấy thế mà vào ngày cuối cùng của chuỗi hoạt động năm thứ ba này, chúng tôi phát hiện thêm một sự thật ít ngờ: vẫn còn những vùng sâu, vùng xa của nước Việt không có một quán phở, vẫn còn những trẻ em người Việt chưa hề biết đến vị phở mùi phở, vẫn còn những người lớn không thể có được một tô phở khi thèm.
Các em học sinh vui mừng được ăn phở và thưởng thức những tô phở lần đầu tiên trong đời - Ảnh: DUYÊN PHAN
Giật mình trong hụt hẫng và tự trách, “Ngày của phở” đã cấp tốc tổ chức ngay “gánh phở vào sóc”. Không thể tả hết những hân hoan, sảng khoái ở hai điểm trường Tô Vĩnh Diện, Xuân Hồng (xã Bình Minh, Minh Hưng, Bù Đăng, Bình Phước) trong một ngày một đêm hôm đó.
Lửa bập bùng nhưng sóc Bom Bo không “cắc cùm cum giã gạo bằng chày” như mấy mươi năm trước. Trên bếp lửa là nồi nước ninh xương bò mỗi lúc mỗi thêm thơm ngọt, là nồi hơi tráng bánh nghi ngút khói, liên tục cho ra những lá bánh phở mềm dai. Những người Nam Định xa quê định cư nơi đây nao nức chờ hương vị ký ức.
Những người S'tiêng bản địa lạ lẫm nghe kể những câu chuyện về phở. Những em bé háo hức trước ngày hội bất ngờ. Hôm sau, hơn một ngàn tô phở, cuốn phở từ những tiệm phở danh tiếng nhất Sài Gòn mau chóng được cả xã thưởng thức đến giọt nước dùng cuối cùng, sợi bánh phở cuối cùng trong không gian thơm sực nồng nàn và rộn rã tiếng cười.
Người già ở nhà cũng được con cháu mang phần về, vị thơm ngon của món ăn cùng với tiếng rộn ràng của câu chuyện kể. Nghiêng nồi múc những gáo nước dùng cuối, gạt giọt mồ hôi, các đầu bếp mỉm cười mãn nguyện.
Chúng tôi biết ngày này sẽ không qua đi.
Hoa hậu Diễm Hương bưng các phần phở cho các em nhỏ tại Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Bù Đăng) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ký ức của sóc Bom Bo từ nay sẽ có thêm “Ngày của phở”, món ăn vẫn còn lạ lẫm với nhiều người nhưng nhất định sẽ hóa thân quen. Một trong số những người Nam Định đã định cư nơi đây đã thức dậy lòng yêu nhớ món ăn cổ truyền quê mình mà tính toán chuyện mở một quán phở đầu xóm.
Những người S'tiêng bảo nhau lần sau ra tiệm tạp hóa sẽ thử mua mấy gói phở ăn liền thay mì gói đã quá quen thuộc. Những thầy cô giáo thảo luận về một bài giảng ngoại khóa để các em bé sẽ ghi nhớ kỷ niệm sảng khoái vừa vui vừa ngon này vào bài tập làm văn về quê hương, về ngôi trường của mình, vào ký ức tuổi thơ để mà lớn lên, trưởng thành, đi xa.
Và những người Sài Gòn là đầu bếp, là sinh viên đã tham dự ngày hội “gánh phở vào sóc” hôm nay nữa. Niềm vui được là người mang món ăn ngon nhất “từ trước đến nay” phục vụ dân bản thôi thúc, những kế hoạch trở lại một cách bài bản hơn đã được bàn luận ngay trên đường về, những dự án tiếp theo để làm được nhiều hơn nữa cho sóc Bom Bo đã được ấp ủ.
Năm tới đây, nhất định “Ngày của phở” sẽ đến được nhiều những buôn làng, thôn sóc hơn nữa, để không còn người Việt nào, em bé nào phải nghe nhắc đến phở một cách xa lạ.
Món phở, như Tú Mỡ viết gần trăm năm trước “Kẻ phú quý cho chí người bần tiện/ Hỏi ai là đã nếm không ưa”, nhất định phải là thân quen và yêu thương với tất cả những người Việt, dù họ là ai, ở đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận