Người dân Phú Yên được lấy mẫu xét nghiệm ngay sau khi từ TP.HCM được đón về quê - Ảnh: PHAN NGỌC ANH
Đón dân còn là trách nhiệm với TP.HCM
Đó là ý kiến của ông TRẦN HỮU THẾ - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nơi vẫn đang tổ chức đón tất cả công dân có nguyện vọng về lại quê nhà. Ông Thế chia sẻ:
Từ ngày 26-7 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức 9 đợt đón 4.000 người dân Phú Yên ở TP.HCM có nhu cầu về lại quê nhà. Và chúng tôi tiếp tục đón nếu họ có nhu cầu. Tỉnh xác định đây là trách nhiệm với người dân, đồng thời là cách chia sẻ với TP.HCM và các địa phương phía Nam.
Phú Yên cũng là tỉnh có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ ngày 23-6 đến nay. Chúng tôi hiểu đón người dân từ TP.HCM về đồng thời sẽ tăng thêm áp lực về an sinh xã hội, áp lực hệ thống y tế đang vất vả. Nhưng người dân muốn về mà quê hương không đón thì họ biết đi đâu?
UBND tỉnh Phú Yên đã gửi công văn cho UBND TP.HCM đề nghị phối hợp, giúp đỡ để chúng tôi đón dân về; gửi công văn đến các tỉnh đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho xe qua. Tỉnh lập một tiểu ban đón công dân về quê, người dân có thể đăng ký qua tổng đài của tiểu ban này. Người dân lên xe về quê có giấy xét nghiệm âm tính, có đồ bảo hộ y tế an toàn phòng dịch... Người cùng huyện được bố trí cùng xe, mỗi xe 20 - 25 người. Doanh nghiệp hỗ trợ xe, tỉnh và Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM hỗ trợ bà con suất ăn, uống.
Người dân về đến quê được xét nghiệm và cách ly tập trung. Sau 7 ngày thì xét nghiệm lần hai, nếu âm tính sẽ được cho về nhà tự cách ly theo dõi. Cũng đã có một số ít người dân được tỉnh đón về có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng nhờ cách làm chặt chẽ này, Phú Yên sớm tách được F0, cô lập được các F1 nên không có lây lan. Chúng tôi xác định việc đưa dân về như thế này sẽ tốt hơn là không đón, để người dân tự phát tìm cách trở về, rồi không khai báo y tế rất dễ tạo ra những ổ dịch lớn trong cộng đồng.
D.THANH ghi
Về quê: sự lựa chọn tốt hơn
Từ thực tế những gì đã xảy ra hơn 2 tháng qua, tôi cho rằng để người dân về quê là lựa chọn tốt hơn. Vì sao?
Thứ nhất, Chính phủ đã có sự thay đổi về chiến lược và quan điểm ở tầm vĩ mô về lâu dài chúng ta phải "sống chung với dịch"; Bộ Y tế gần đây đã ban hành hướng dẫn cách ly và điều trị F0 tại nhà.
Thứ hai, sự quá tải về cơ sở hạ tầng và nhân lực y tế TP.HCM trong chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 và các bệnh khác.
Thứ ba, điều kiện sống cả về chất và tinh thần của người dân (nhất là những thành phần dễ bị tổn thương như công nhân, sinh viên, lao động tự do thất nghiệp... và đặc biệt là trẻ em), dù chính quyền TP.HCM rất cố gắng nhưng không thể bao quát hết.
Cuối cùng, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải tôn trọng thực tế về nguyện vọng của người dân về quyền lựa chọn nơi lưu trú của họ trong bối cảnh khó khăn này.
Chị Lê Thị Thanh Huyền:
Ở nhà ngày nào mượn nợ ngày đó
Tôi mất việc cả tháng nay vì nhà trọ nằm trong khu phong tỏa. Công ty có lo tiền sinh hoạt phí, ăn ở tại chỗ để làm việc nhưng tôi không thể ra ngoài. Giờ hết phong tỏa, công ty chưa kêu đi làm lại, đành chắt bóp từng bữa ăn thôi. Khổ mấy cũng ráng ở đây vì về quê không có gì làm, Bình Định cũng dịch dữ lắm, về rồi cách ly mấy tuần, mất an toàn cho mình và mọi người, khi công ty cho đi làm lại cũng không đi được, lỡ họ cho nghỉ luôn thì khổ hơn.
Lương tôi 5 triệu đồng/tháng, đủ chi tiêu cho bản thân, trả tiền trọ và một ít gửi về quê. Để trang trải cho những ngày tới, tôi đăng ký làm công nhân thời vụ ở công ty khác. Ngày 18-8, họ có xe đến chở tôi và một số chị em khác đi xét nghiệm, nếu kết quả âm tính, họ cho vào công ty làm và ăn ngủ trong đó luôn. "Chữa cháy" vậy chứ ở nhà ngày nào thì phải mượn nợ ngày nấy, tôi không xoay xở nổi.
Chị Bùi Thị Hồng (TP Thủ Đức, TP.HCM):
Chỉ muốn về quê
Nhà tôi cầm cự qua ngày bằng tiền tiết kiệm cả nhà làm thợ sắt cho công trình lâu nay. Bữa cơm không còn thịt cá, được cho ít trứng, mì gói thì cứ nấu ăn qua ngày vậy thôi, riêng tiền phòng và điện nước cô chủ trọ đã hỗ trợ. Biết trước tình hình này tôi đã về quê, có rau cháo nhín chút cũng ổn, ở dưới đó ít ra còn nhà cửa, đang vào mùa cắt lúa ai thuê gì làm nấy cũng đỡ.
Vợ chồng tôi muốn về quê dữ lắm, nhưng chạy xe máy về không được. Quê Đồng Tháp cũng đang thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 25-8. Giờ mong cho địa phương đồng ý đón đồng hương về thì ba người nhà tôi ráng dành tiền đi xét nghiệm, về rồi đi cách ly, có hỗ trợ chi phí hoặc cách ly tại nhà luôn thì tốt.
HOÀNG AN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận