Đây cũng là nhãn hiệu tập thể thứ 3 của tỉnh Hưng Yên được Nhà nước bảo hộ sau tương Bần và nhãn lồng Hưng Yên.
Từ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Quất cảnh Văn Giang” với tổng kinh phí thực hiện gần 900 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai, dự án đã tiến hành các hoạt động cụ thể như thiết kế mẫu logo để đăng ký nhãn hiệu tập thể lập hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu; xây dựng quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể và kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc và tạo dáng sản phẩm quất cảnh; quy chế sử dụng tem, nhãn; xây dựng bộ máy tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể; tìm kiếm, xác định các kênh tiêu thụ quất cảnh Văn Giang...
Đến nay, sau 2 năm thực hiện dự án đã hoàn thành, sản phẩm "Quất cảnh Văn Giang" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận, bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 10 hộ nông dân của các xã Thắng Lợi, Liên Nghĩa và thị trấn Văn Giang đủ điều kiện cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Quất cảnh Văn Giang”.
Hội Nông dân huyện Văn Giang được giao là đại diện chủ sở hữu, quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể này.
Huyện Văn Giang hiện có khoảng 200ha đất trồng cây quất cảnh, tập trung nhiều ở các xã Mễ Sở, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Tân Tiến...
So với quất ở các vùng khác, quất Văn Giang có những ưu thế riêng và nổi trội như lá có màu xanh đậm và dày, quả to đều, màu vàng tươi, dáng thế cây đẹp.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, thường bị các thương lái ép giá do người dân chưa biết giới thiệu sản phẩm, thực hiện việc dán tem nhãn…
Do vậy việc triển khai dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Quất cảnh Văn Giang" đã tạo điều kiện nhằm bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm quất cảnh đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, đồng thời giúp bảo tồn nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận