23/11/2024 08:27 GMT+7

Quảng Trị quy hoạch tái hiện khu đô thị quân sự của chúa Nguyễn

Quy hoạch di tích quốc gia chúa Nguyễn sẽ phục hồi để thấy được quy mô, hình ảnh một khu đô thị quân sự của chúa Nguyễn thời kỳ đầu mở cõi.

Quảng Trị quy hoạch tái hiện 'khu đô thị quân sự' của chúa Nguyễn - Ảnh 1.

Địa điểm di tích Ghềnh Phủ - là bến cảng thời chúa Nguyễn, một địa điểm giao thương tấp nập nằm bên sông Thạch Hãn - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ngày 23-11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia "Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)" tại huyện Triệu Phong.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch gồm 10 di tích, địa điểm di tích và 4 công trình đề nghị xếp hạng bổ sung thuộc các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, rộng 33,35ha. 

Trong đó, khu vực bảo vệ di tích là 9,45ha, diện tích kiến nghị bổ sung khoanh vùng bảo vệ 1,75ha (gồm 4 công trình đền thờ Nguyễn Ư Dĩ, giếng thờ, phủ thờ, lăng mộ người Việt cổ), diện tích còn lại là nhà quản lý đón tiếp, bãi đỗ xe, không gian đệm…

Quy hoạch sẽ lựa chọn những điểm di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tương đối đầy đủ các căn cứ (về tư liệu lịch sử, báo cáo khảo cổ học...) để phục hồi di tích nhằm thấy được quy mô và tái hiện hình ảnh một "khu đô thị quân sự" - một đại bản doanh của chúa Nguyễn Hoàng thuở xưa.

Quảng Trị quy hoạch tái hiện khu đô thị quân sự của chúa Nguyễn - Ảnh 3.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được tôn tạo theo kiến trúc, mỹ thuật thời Lê Trung Hưng và thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cụ thể, với địa điểm dinh Ái Tử, quy hoạch kiến nghị khai quật khảo cổ; xây dựng đền thờ Nguyễn Hoàng ở khu vực 2, các công trình mang tính tưởng niệm, phát huy giá trị văn hóa và giá trị di tích.

Với dinh Cát sẽ nghiên cứu, khảo cổ, bảo tồn nguyên trạng, lựa chọn vị trí trưng bày di chỉ khảo cổ ở khu vực 1, xây dựng công trình tưởng niệm đền thờ quan lớn Triệu Tường ở khu vực 2.

Với các địa điểm di tích còn lại sẽ dựng bia giới thiệu di tích, cắm mốc bảo vệ, tôn tạo cảnh quan…

Với khu vực phát huy giá trị di tích sẽ có hai trục chính. Trong đó, một trục là "cội nguồn lịch sử" tạo ra một không gian gợi nhớ về hình ảnh bước tiến xưa của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và quá trình dựng dinh phủ đầu tiên trên đất Ái Tử - Trà Bát. 

Trục còn lại phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch…

Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang tính lịch sử gốc của di tích; tạo ra không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa, làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát - nay là huyện Triệu Phong.

Trong 68 năm, từ 1558 - 1626, chúa Nguyễn Hoàng đã có ba lần dựng thủ phủ, dinh trấn tại ba địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát.

Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn được xếp hạng quốc gia năm 2018, gồm 10 địa điểm ở các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử.

Quảng Trị quy hoạch tái hiện 'khu đô thị quân sự' của chúa Nguyễn - Ảnh 4.Đồng ý điều chỉnh 2 điểm di tích chúa Nguyễn bị xâm lấn ở Quảng Trị

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thống nhất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ với 2 điểm di tích quốc gia chúa Nguyễn do bị công trình giao thông xâm lấn, theo đề nghị của tỉnh Quảng Trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp