Sân bay Vân Đồn - dự án do Sungroup đầu tư tại khu kinh tế Vân Đồn - Ảnh: TT
Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh nhận định khu kinh tế Vân Đồn là "địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", Nhà nước cần thu hút nguồn lực của nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước...
Tỉnh này cũng cho rằng đây là lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích thông qua việc gắn đầu tư hạ tầng kỹ thuật với kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng có kết hợp với casino.
Như vậy, có thể hiểu rằng tỉnh Quảng Ninh đang muốn casino Vân Đồn là "mồi nhử" để thúc đẩy phát triển hạ tầng khu kinh tế này, vốn đang quá èo uột.
Quảng Ninh nhấn mạnh: Nếu nhà đầu tư xây dựng dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với vốn đầu tư lớn mà không có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh kết nối, dự án sẽ không khả thi.
Vì vậy, tỉnh này muốn nhà đầu tư tư nhân sử dụng vốn ngoài nhà nước phát triển hạ tầng khu kinh tế Vân Đồn và hạ tầng giao thông kết nối khu kinh tế này như một điều kiện để được đề xuất là nhà đầu tư kinh doanh casino tại Vân Đồn.
Trước đó, kết luận của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cho phép triển khai đầu tư casino Vân Đồn và cho phép thí điểm người Việt được vào chơi tại casino Vân Đồn.
Nhưng so với các casino tỉ đô được cấp phép sau khi nghị định 03/2017 về kinh doanh casino có hiệu lực như casino Phú Quốc (Kiên Giang), casino Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), và casino Cam Ranh (Khánh Hòa) đang trình Chính phủ cấp phép, casino Vân Đồn đang có hạ tầng kém nhất.
Tỉnh Quảng Ninh phải huy động Sungroup bỏ ra hơn 7.500 tỉ đồng làm sân bay Vân Đồn, trong khi các casino còn lại như Phú Quốc, Laguna Lăng Cô, Cam Ranh đều đã nằm cạnh sân bay có sẵn.
Mô hình casino Vân Đồn - Ảnh: S.G
Bài toán đưa casino Vân Đồn thành "mồi nhử" với vai trò là thỏi nam châm hút vốn vào "đặc khu" kinh tế đã tìm được lời giải khi tỉnh Quảng Ninh lựa chọn Sungroup là nhà đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Đây cũng nhà đầu tư được tỉnh đề xuất làm casino Vân Đồn trong thời gian qua.
Điều không may casino Vân Đồn lại bị ‘mắc kẹt’ bởi cơ chế khi dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2018.
Và những tính toán của các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư đều "mắc kẹt" khi cơ chế cho phép cộng dồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng vào vốn đầu tư dự án casino để đạt ngưỡng vốn 2 tỉ USD không được thông qua.
Theo quy định, điều kiện bắt buộc để một dự án tổ hợp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép kinh doanh casino là phải có vốn trên 2 tỉ USD, vốn giải ngân đạt trên 1 tỉ USD thì nhà đầu tư mới chính thức được kinh doanh casino.
Để gỡ khó, mới đây Bộ Tài chính đã chính thức đề nghị Thủ tướng cho phép sửa Nghị định 03/2017 về kinh doanh casino theo hướng giảm tỉ lệ giải ngân vốn dự án để nhà đầu tư được phép kinh doanh casino.
Đồng thời, cho phép nhà đầu tư được cộng gộp tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng trên địa bàn đặc khu kinh tế vào tổng vốn đầu tư dự án casino.
Thực tế việc cho phép cộng gộp nhiều dự án để nhà đầu tư đạt tới các ưu đãi đầu tư đã có tiền lệ với một số dự án của tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh, Vingroup với dự án casino Phú Quốc.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc sửa đổi này sẽ áp dụng cho tất cả các casino đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino và sẽ không tạo bất bình đẳng với bất kì dự án kinh doanh casino nào đã được cấp phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận