Phóng to |
Biết viết, biết đọc là điều bình thường của các em HS tiểu học này- |
Đó là một trong số chục trường hợp dù đã vượt qua kì thi tốt nghiệp tiểu học, học đến gần hết bậc THCS vẫn chưa thể đọc thông, viết thạo, nhiều trường hợp còn không biết được hết mặt chữ cái a, b, c, điều mà các em đã được học từ lớp 1…
Không biết đọc, biết viết vẫn tốt nghiệp
Cô Phan Thị Nở, giáo viên dạy văn kể: “Buổi đầu lên lớp (lớp 6E), sau khi chép bài lên bảng, tôi đi xuống lớp thì thấy em V.Q.T không chép bài. Tưởng là em bị cận thị không nhìn thấy chữ, tôi đưa em lên bàn đầu ngồi nhưng mãi cũng không thấy em chép chữ nào. Lúc này thì những học sinh khác mới cho biết là T không viết được. Gọi đọc bài thì em đứng mãi mà không đọc được”. Đó không phải là trường hợp cá biệt của lớp này. Là giáo viên chủ nhiệm của lớp, cô Nở cho biết thêm lớp còn một số học sinh chưa biết đọc, biết viết như N.T.T, V.H.K…
“Điểm trung bình học kì của các em rất thấp, chỉ trên hai phẩy. Do phần lớn các môn đều kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm nên những em này có thể coi bạn bên cạnh rồi đánh theo, thậm chí là các học sinh khác làm bài dùm!”, cô Nở cho biết. Riêng những môn kiểm tra tự luận thì phần làm bài của các em có khi bỏ trống, khi thì được một dòng(theo lời của nhiều giáo viên là “nhìn sách vẽ chữ”).
Như trường hợp em V.Q.T, bài làm môn Kỹ thuật công nghiệp của em tòan chữ “chuối chiên, chuối chiên, chuối chiên…”, còn bài làm môn văn thì lại tòan chữ “nhấm nhẳn, nhấm nhẳn, nhấm nhẳn…” Bà của T nghi ngại: “như thế mà lên lớp thì nó sẽ học như thế nào?!”
Theo nhiều giáo viên thì số học sinh chưa biết đọc, biết viết rải đều ở hầu khắp các khối lớp, tập trung nhất là khối 6. Trong đó, lớp 6A cũng có đến 4 trường hợp chưa đọc thông viết thạo. Riêng em L.H.N thậm chí còn không biết mặt chữ cái, không thể làm các phép tóan cơ bản mà lẽ ra em phải làm được điều ấy từ khi học lớp 1, lớp 2. Chị Nguyễn Thị Bốn, mẹ em N cho biết: “mỗi buổi sáng nó phải nhờ ba lấy thời khóa biểu ra, đọc cho biết hôm nay học môn gì để lấy vở đi học.
Bữa nào đi học cũng mang theo một đống vở nhưng về thì lại chẳng có chữ nào cả. Lúc còn kèm thì cháu còn biết mặt các chữ cái còn trộn lộn xộn các chữ lại rồi hỏi thì cháu không nhận biết được mặt chữ”. Biết được sức học của con mình, anh Thanh, ba của N đã phải hai lần lên trường tiểu học Đức Phong xin cho con ở lại lớp vào các năm lớp 1 và 3. Tuy nhiên N vẫn không thể đọc, viết được. Điều ngạc nhiên là dù không thể đọc, viết nhưng N vẫn đều đặn lên lớp và đàng hòang tốt nghiệp tiểu học. Hiện tại, dù đang học lớp 6 nhưng N lại được đứa cháu gọi bằng cậu đang học lớp 3 dạy vỡ lòng a, b, c!
Một trường hợp khác, tuy biết “vẽ chữ” (nhìn theo sách để viết, tuy rất chậm) nhưng vẫn không thể tự đọc, viết được là T.Q.P, học sinh lớp 6A. Chị Nguyễn Thị Lưu, mẹ P cho biết nếu có người kèm thì P còn viết được, khi một mình thì P không làm được. Cũng vì thế mà cuốn tập “một cho tất cả(các môn học)”của P chỉ lèo tèo vài dòng nguyệch ngọac. Tuy không đọc viết được nhưng trong suốt các năm tiểu học, P không hề ở lại lớp một năm nào, ngay cả anh Trương Quang Mẫn, ba của P cũng ngạc nhiên “học thế mà sao cũng lên lớp được”!
Cũng vì muốn con mình có thể đọc, viết được, anh Mẫn đã đến trường tiểu học Đức Phong tha thiết xin cho P được quay về học lại tiểu học. Điều trớ trêu là theo cách trả lời của trường thì vì P đã tốt nghiệp tiểu học rồi nên không thể quay về học lại được! “Như vậy rồi thì chúng tôi cũng để em nó tới trường cho có bạn có bè, được một chữ hai chữ gì cũng được, biết thêm cái gì hay cái ấy chứ lên lớp thì lên lớp chứ có biết gì đâu!”, chị Lưu cho biết. Một giáo viên dạy toán trường THCS Đức Phong khẳng định: “Giáo viên tiểu học còn không dạy các em đọc viết được thì chúng tôi làm sao có thể làm được”!
Tất cả đều do... phổ cập!?
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trường THCS Đức Phong có cả chục trường hợp chưa biết đọc biết viết như thế. Ngay cả một số học sinh tuy học đến lớp7, 8 nhưng vẫn chưa thể đọc thông viết thạo, thậm chí là chưa thể tự đọc, viết được như học sinh Đ.D lớp 7C, N.T.H lớp 8A… Vậy thì làm sao mà các em vẫn lên lớp đều đặn và tốt nghiệp được? Theo nhiều học sinh học lớp 6 cho biết, trong kì thi tốt nghiệp tiểu học, các cô giáo ở trường làm bài vào giấy nháp rồi đưa cho học sinh chép vào bài thi, thậm chí còn chỉ bài trực tiếp cho các em.
Những em không viết được thì được các bạn chép bài dùm. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm qua tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học ở trường Đức Phong nói riêng và nhiều trường tiểu học khác nói chung luôn ở mức 100%. Điều đó có thể nhận thấy một điều rằng, khi chủ trương phổ cập ra đời thì thành tích về tỷ lệ tốt nghiệp cũng được “phổ cập” theo, tức người nào trong độ tuổi cũng được học và học thế nào cũng được tốt nghiệp cho dù người đó không biết đọc, biết viết!
Ông Nguyễn Vinh Quang, hiệu trưởng trường tiểu học Đức Phong cho biết: “Một số em đã không đọc viết được thi làm sao thi tốt nghiệp được, trường hợp thức hóa để phổ cập cho các em thôi. Luật phổ cập giáo dục tiểu học ràng buộc các trường làm thế nào phải dạy cho các em biết chữ. Chúng tôi cũng tổ chức phụ đạo cho các em nhưng không hiệu quả. Học sinh lưu ban lớp 1, 2 mà vẫn chưa biết chữ thì vẫn phải đưa lên vì nếu cho các em lưu ban nữa thì có thể các em sẽ nghỉ học, rồi mù chữ và như thế sẽ không thực hiện được mục tiêu phổ cập”.
Không biết chữ, qua được kì thi tốt nghiệp tiểu học, thế là xong, trường tiểu học đã hòan thành trách nhiệm! Phần tiếp theo là trường THCS phải gánh. Không chỉ học các môn cơ bản, học các thuật tóan đơn giản như bậc tiểu học, lên THCS, học sinh phải học nhiều môn hơn với khối lượng kiến thức cũng như mức độ, độ khó ngày càng tăng. Một câu hỏi lại được đặt ra: những học sinh này ngay cả việc đọc viết còn chưa làm được thì làm sao có thể học và lên lớp? Một lần nữa, yếu tố phổ cập lại được đưa ra để lý giải cho việc học sinh không biết chữ vẫn được lên lớp đều đặn.
Ông Trần Công Châu, hiệu trưởng trường THCS Đức Phong thẳng thắn cho biết: “Nói gì lớp 6, ngay cả một số học sinh lớp 8, 9 cũng không thể tự viết được một bản kiểm điểm, chữ nguệch ngọac không thể đọc được. Nếu cho điểm ngay thẳng thì tỷ lệ lên lớp chỉ khỏang 50%(hiện tại là trên 90%). Chỉ tiêu lên lớp phấn đấu theo chỉ tiêu chung của Phòng nên nhiều em thi lại không làm được gì cũng phải cho lên lớp vì chúng ta đang thực hiện phổ cập THCS. Các em dù chưa đọc được cũng phải đưa lên vì để lại cũng không được gì, các em đã mất căn bản, không học được thì rèn luyện còn hơn để các em ở nhà rồi lêu lỏng. Vì thế chỉ những học sinh quá nghịch ngợm thì trường mới cho ở lại lớp”.
Trong khi đó, ông Trần Như Thế, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mộ Đức thẳng thắn thừa nhận: “Mục tiêu của phổ cập là nâng cao dân trí, hơn nữa, do vướn quy định học sinh ở một cấp học không được ở lại quá hai năm nên phải cho các em lên lớp, dù các em không biết đọc, biết viết. Các em lên lớp không phải vì đạt yêu cầu mà vì không thể ở lại được nữa! Ở lại thì cũng đâu có lợi ích gì vì tư chất các em đã như thế, trong khi lên lớp thì các em được hòa nhập vào công đồng, ít ra cũng tốt hơn nghỉ học ở nhà”. Ông Thế cũng cho biết, trong số hơn 33.000 học sinh từ tiểu học đến THCS của huyện hiện có trên 300 em chưa biết đọc, biết viết và được liệt vào diện cá biệt.
Một giáo viên cho biết: “Một tiết dạy bây giờ vất vả gấp rưỡi trước kia. Vì học sinh biết trước dù không học thế nào cũng được cho lên lớp nên không cố gắng học, nhất là những học sinh yếu. Cứ cái đà này thì học sinh mất động lực phấn đấu học tập, giáo viên thì ngày càng vất vả mà thôi”!
Những chỉ tiêu, những con số tròn trịa, đẹp mắt đã đánh lừa dư luận về chất lượng của một nền giáo dục. Ai là người đặt ra những chỉ tiêu phấn đấu, những con số cần phải đạt được ấy? Các trường, các cấp quản lý giáo dục địa phương hay chính Bộ GD-ĐT?!
Tin bài liên quan:
Học sinh lớp 5 nhưng không... biết chữ! Hãy gánh lấy trách nhiệm về phía mình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận