Trước tình hình đó, Quảng Nam đã đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, vượt qua khó khăn, kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị.
Ông Lê Văn Dũng - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - đã có những chia sẻ về kết quả thực hiện nghị quyết đại hội này.
Nhiều kết quả tích cực
* Ông có thể tóm lược kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đến thời điểm hiện nay?
- Trong nhiệm kỳ này, công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức được các cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng và triển khai đồng bộ, thường xuyên lãnh đạo thực hiện bằng nhiều phương thức. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề với các chủ trương, quyết sách lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân ba năm 2021-2023 khoảng 3,8%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 112.500 tỉ đồng. GRDP bình quân đầu người năm này khoảng 76 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/người/năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước ở tỉnh tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 gần 5,5%/năm. Đặc biệt năm 2022 thu ngân sách trên 33.500 tỉ đồng, đạt mức cao kỷ lục từ khi tái lập tỉnh đến nay.
Công nghiệp phát triển bền vững theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có lợi thế, tạo ra sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt gần 91.000 tỉ đồng, chiếm 27% GRDP.
Hoạt động thương mại - dịch vụ phục hồi khá sau dịch, từng bước phát triển ổn định. Tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2023 gần 4,1%/năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hơn 12,3 tỉ USD. Tổng lượt khách du lịch năm 2023 khoảng 7,5 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2023 có 130 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 67,3%, bốn đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2023 đạt 75,9%, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92%.
Nhìn chung giai đoạn 2021-2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song việc thực hiện các chỉ tiêu do nghị quyết đại hội đề ra đạt được những kết quả nhất định. Dự kiến đến năm 2025, trong 58 chỉ tiêu thành phần của nghị quyết có 39 chỉ tiêu đạt, khả năng đạt và vượt, 19 chỉ tiêu không đạt và khó đạt so với kế hoạch tỉnh đề ra.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức các hội nghị chuyên đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên một số lĩnh vực quan trọng. Tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực so với năm 2023, phát triển trên hầu hết các lĩnh vực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, xếp vị thứ 26/63 về quy mô GRDP so với 63 tỉnh, thành cả nước. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước sáu tháng 12.221 tỉ đồng, đạt 51,8% so với nghị quyết đề ra và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngăn ngừa biểu hiện chùn bước, né tránh, đùn đẩy
* Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sắp tới như thế nào, thưa ông?
- Từ nay đến cuối năm 2025, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức. Ngăn ngừa, khắc phục biểu hiện chùn bước, làm "cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ".
Tập trung lãnh đạo công tác chuẩn bị văn kiện và nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai thực hiện, hoàn thành các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm ưu tiên là các hạ tầng giao thông chiến lược. Tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp̣. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, miền núi và giảm nghèo. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ - du lịch.
Tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát đã chỉ ra. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận