Song các năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Tây Giang đã đồng lòng, chung sức thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện.
Tây Giang đã và đang trở thành một trong những điểm đến của du khách gần xa trong việc phát triển kinh tế vườn - rừng - du lịch.
Người đồng bào đồng thuận cao
Anh Alăng Reo (thôn Pơr'ning, xã Lăng, huyện Tây Giang) kể sống bao đời khu vực nơi ở cũ cứ đến mùa mưa lũ thì nơm nớp lo sợ. Sạt lở, lũ ống, lũ quét, đất đá sạt trượt luôn là nổi ám ảnh người đồng bào nơi đây.
Đồng thời đường sá giao thông, đường điện, trường học mỗi khi mưa lớn làm đất đá rơi vùi lấp cũng cản trở người dân đi làm rẫy, đi trồng rừng, đi núi, đi học. Cái ăn, cái học con cái, đời sống đồng bào rất gian nan.
Còn anh Alăng Ahon (thôn Tà Làng, xã Bhalêê, Tây Giang) cho biết nơi ở cũ có giao thông khó khăn, điện thì chập chờn, chỗ học con cái xa nên cuộc sống gia đình thiếu ổn định.
Vì thế khi nghe cán bộ, già lànggiải thích, vận động và thuyết phục người dân di dời, sắp xếp nơi ở mới có chỗ ở ổn định hơn, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, việc làm ăn và học hành của con cái thuận lợi thì đông đảo người dân rất ưng cái bụng, đồng thuận ngay. Bà con nhân dân thôn chung tay cùng chính quyền san lấp mặt bằng, di dời làng cũ đến làng mới.
Qua đó, cuộc sống đồng bào huyện Tây Giang từng bước ổn định, hạn chế rủi ro từ thiên tai, có cơ hội tiếp cận các điều kiện hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất.
Ông Briu Quân, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Tây Giang, cho biết nhiều năm qua huyện đã kế thừa kết quả và kinh nghiệm trong công tác sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi...
Huyện cũng tập trung đầu tư nguồn lực, từng bước đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện. Tây Giang đã và đang trở thành một trong những điểm đến của du khách gần xa trong việc phát triển kinh tế vườn - rừng - du lịch.
Đổi thay diện mạo các bản làng
Việc thực hiện chủ trương sắp xếp, ổn định dân cư gắn với phát triển bền vững đã tạo nên những đổi thay trên các bản, làng vùng biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Nam.
Nhiều khu dân cư mới khang trang, nhà ở, cơ sở hạ tầng sắp xếp, bố trí tốt hơn, cuộc sống người dân từng bước ổn định…
Nhân dân hưởng ứng chủ trương, hiến đất đai, hoa màu, không đòi đền bù để nhà nước san ủi mặt bằng bố trí chỗ ở ổn định, hạn chế rủi ro do mưa lũ, sạt lở đất, người dân đỡ lo lắng, an tâm ở nơi ở mới, thuận lợi làm ăn, phát triển sản xuất...
Có được kết quả này nhờ sự đồng thuận rất cao của người dân, cộng đồng dân cư, trong đó vai trò của người có uy tín, già làng trong việc vận động nhân dân hiến 25ha đất, hàng nghìn cây cối, hoa màu, vật kiến trúc... với tổng trị giá trên 15 tỉ đồng, giúp nhau trên 1.000 ngày công để di chuyển, làm mới nhà cửa.
Ông Briu Quân cho biết thêm người có uy tín, già làng… là điểm tựa của các bản làng. Họ luôn gương mẫu, tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, vận động con cháu trong gia đình, bà con cộng đồng hưởng ứng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội.
Không những thế, ở các khu dân cư mới, những nhân tố tiêu biểu, già làng cùng cấp ủy, chính quyền tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng, nhất là các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai, gây rối trật tự. Qua đó, không để các kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động, gây mất an ninh, trật tự ở cơ sở, chia rẽ sự đoàn kết dân tộc.
Ông Briu Quân cho rằng do điều kiện miền núi cao, ít bằng phẳng nên việc chọn mặt bằng, tìm nguồn san ủi hết sức khó khăn. Ủy ban MTTQ huyện hi vọng các tập thể, cá nhân đồng hành với huyện chung tay hỗ trợ nguồn lực để san ủi mặt bằng cho nhân dân ổn định đời sống, giảm thiểu rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh...
Từ trước đến nay, huyện Tây Giang đã đầu tư 123 mặt bằng dân cư tập trung tại các xã, bình quân mỗi hộ được bố trí đất ở tối thiểu 200m2, hiện đang tiếp tục san ủi bố trí thêm 6 mặt bằng cho các hộ phát sinh mới.
Từ năm 2019 đến nay đã bố trí, sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới cho 1.248 hộ (sắp xếp tập trung 1.058 hộ, xen ghép 190 hộ); kinh phí thực hiện hỗ trợ gần 65,3 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận