Cán bộ, y bác sĩ dọn dẹp phòng bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam - Ảnh: QUỐC TUẤN
Sáng 11-11, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam trở lại đón tiếp bệnh nhân, thăm khám như thường ngày sau khi cơn lũ đi qua.
Bác sĩ Hà Đức Thiện - khoa gây mê hồi sức - cho biết những ngày qua anh em cán bộ trong bệnh viện phải gồng mình vừa lo khám chữa người đau ốm, vừa lo xếp dọn đồ đạc chạy lũ.
Chúng tôi tập trung xuống các thôn xã để kiểm tra và vận động bà con tuyệt đối giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải ăn chín, uống sôi và đặc biệt cảnh giác với các nguồn thức ăn không an toàn
Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam NGUYỄN VĂN VĂN
Bộ đội hỗ trợ dọn dẹp
Dù ngập lụt nhưng trong những ngày qua tất cả cơ sở y tế Quảng Nam đều thực hiện tốt công tác khám chữa cho người bệnh, hai ca cấp cứu trong lũ cũng được xử lý thành công.
Qua lũ, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra, hệ thống máy móc trang thiết bị y tế và thuốc men được bảo quản kỹ càng, chỉ có một tủ lạnh ở một cơ sở y tế bị nước ngâm hư hại.
Lũ vừa rút đi, ngành y tế Quảng Nam yêu cầu toàn bộ cán bộ tại chỗ quét dọn và làm vệ sinh.
"Bùn bám nhiều quá, đặc biệt là Bệnh viện Điện Bàn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam nên việc dọn dẹp lại mất nhiều thời gian và công sức. Tinh thần chung của chúng tôi là nước rút tới đâu dọn tới đó, vừa dọn lũ vừa phải cứu chữa bệnh nhân, tuyệt đối không được để trường hợp người dân nào đau ốm mà không được khám chữa điều trị kịp thời" - phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Văn nói.
Bác sĩ Ngô Thoại - giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn - cũng cho biết đến sáng 11-11 việc khắc phục hậu quả của đợt lũ vừa qua vẫn đang được tiếp tục. Trong tổng số các trạm y tế được quản lý của trung tâm có 10 trạm bị nước vào ngâm nhiều ngày.
"Do khối lượng bùn, rác tràn vào nhiều nên chúng tôi được bộ đội đến hỗ trợ dọn dẹp. Giờ thì tập trung phòng ngừa dịch bệnh có nguy cơ phát sinh sau lũ" - bác sĩ Thoại cho hay.
Dọn dẹp sau bão số 10 tại Nghệ An - Thực hiện: DOÃN HÒA
Tuân thủ "ăn chín, uống sôi"
Sở Y tế Quảng Nam cảnh báo khi lũ rút đi thì nguy cơ dịch bệnh sẽ phát sinh, nhất là sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, các bệnh về đường ruột.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế lẫn các trạm y tế tuyến dưới dồn sức dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng ngăn dịch bệnh bùng phát.
Bộ Y tế đã hỗ trợ trực tiếp cho Quảng Nam cơ số thuốc lớn để ngừa dịch, cấp 200.000 viên thuốc giúp xử lý nguồn nước, hàng chục cơ số thuốc men, các vật dụng để chống dịch sau lũ.
Hàng ngàn cán bộ y tế được điều động tới các vùng lụt để phun thuốc trừ mầm dịch sốt xuất huyết, dùng cloramin B để xử lý nguồn nước sinh hoạt ngăn ngừa các dịch bệnh về đường ruột cho người dân.
Lo lắng nhất, theo bác sĩ Nguyễn Văn Văn, là hiện nay sau lũ nhiều nơi gia cầm của người dân bị chết hoặc bệnh. Nếu người dân liều lĩnh sử dụng nguồn thức ăn này thì nguy cơ ngộ độc, các dịch bệnh đi kèm sẽ rất cao.
"Chúng tôi tập trung xuống các thôn xã để kiểm tra và vận động bà con tuyệt đối giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải ăn chín, uống sôi và đặc biệt cảnh giác với các nguồn thức ăn không an toàn.
Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Y tế, sự chủ động phòng chống lụt bão từ trước nên đến thời điểm này chưa có sự cố đáng tiếc nào, chưa có vùng dịch nào phát sinh sau lũ" - ông Văn cho hay.
Theo bác sĩ Ngô Thoại, theo diễn tiến dịch bệnh mùa lũ, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện sau 5 ngày khi lũ đi qua. Đi kèm sốt xuất huyết là các bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ...
"Do nhiều nơi bà con bị ngập sâu trong nước, nhiều vật dụng hư hỏng và thiếu nguồn nước sinh hoạt nên chúng tôi đã tính toán và cho khử trùng tiêu độc ngay. Tất cả tới giờ vẫn chưa có vấn đề gì nhưng tình hình căng thẳng sẽ còn kéo dài vài tuần nữa" - bác sĩ Thoại nói.
52 trạm y tế ngập sâu
Đợt lũ trong cơn bão số 12 vừa qua được xem là đợt thiên tai gây ảnh hưởng và xáo trộn nhiều nhất đối với ngành y tế Quảng Nam. Có tới 52 trạm y tế bị nước lũ ngâm sâu nhiều ngày, có nơi nước ngập tới 2m.
Tại xã A Xan (huyện Tây Giang), nước lũ về đã làm sập trạm y tế, khiến việc chăm sóc sức khỏe những người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận