Đến giờ tan học, nhiều cha mẹ đón con bằng xe máy thì cũng có học sinh tự ra về bằng taxi - Ảnh: Lê Tiên |
Tầm 16g-17g mỗi chiều, trước cổng các trường học, đặc biệt các trường quốc tế đặc kín xe hơi đến đón con.
Nếu để ý kỹ, rất nhiều người đưa đón các em nhỏ là tài xế riêng hoặc người giúp việc, thậm chí xe ôm. Nhiều cha mẹ không có đủ thời gian quan tâm con cái đúng mức.
“Quẳng” con cho giáo viên
Chị Đỗ Thị Hằng (ngụ Q.2) chia sẻ gia đình vắng bóng người cha 12 năm nay nhưng chị vẫn muốn con có được chế độ học tập tốt nhất nên gởi cháu đến Trường quốc tế T.
Để xoay xở học phí tương đương 13 triệu đồng/tháng, chị phải làm việc rất vất vả nên việc đưa đón cháu cần phải luân phiên trong gia đình.
Anh Lương Ngọc Bửu (ngụ Q.Tân Phú) vừa được gia đình chủ thuê làm tài xế xe hơi đến ngôi trường ở Q.3 để rước cháu bé học mầm non mỗi ngày.
Cùng tình cảnh ba mẹ quá bận, bé Minh, học sinh một trường quốc tế ở quận 7, mỗi buổi chiều cũng đều được xe ôm gia đình thuê đến để chở về nhà.
Cô Vũ Thiện Thanh (ngụ Q.5), trợ giảng khối 5 tại một trường quốc tế Q.10, kể lại có lần trong giờ ra chơi, cô nghe học trò đùa với nhau “bà giúp việc nhà tao đi xe hơi riết, giờ mà ông tài xế bận là bả phải đi taxi đón tao mới chịu”.
Hỏi ra mới biết phụ huynh em học sinh đó thường đi công tác nước ngoài. Việc đưa đón cố định giờ giấc giao hoàn toàn cho anh tài xế và chị giúp việc suốt 5 năm nay.
Mỗi lần giáo viên, các phụ huynh cũng có thái độ hợp tác và lắng nghe giáo viên lắm. Tuy nhiên, để gặp được họ không phải là dễ. Phần lớn cô phải nhờ chị giúp việc chuyển lời hoặc làm việc qua email nếu tình hình học tập của học sinh có phần sa sút.
Trò chuyện, điều dễ nhận ra ở các ba mẹ thành phố là ít thời gian trò chuyện, hỏi han con. "Đón con từ trường về, chở đi học thêm, về nhà con học bài tận 11 giờ khuya, có khi ngủ gục luôn trên bàn học, đâu còn thời gian nào mà hỏi han chuyện trường lớp", chị Thiên ở quận 10 thừa nhận.
Cũng vậy, anh Duy Chiến ở quận 1 nói: "Có hôm làm về tới nhà là con ngủ rồi. Sáng dậy thì con đã đi học từ sớm. Ở chung nhà chứ có khi cả tuần cha con gặp nhau nếu gộp lại chắc tầm vài tiếng đồng hồ à".
Anh Chiến tâm tư thật sự không muốn vậy chút nào nhưng công việc cứ cuốn cuốn, thời gian dành để trò chuyện với con dự định là nói nhiều điều, chuyện học, chuyện thầy cô, bạn bè, kể cả chuyện "đàn ông" dậy thì khi con anh đã 12 tuổi... cũng có khi bị công việc "xâm lấn".
Không được quan tâm, trẻ rơi vào chán nản
“Nếu phụ huynh không trò chuyện với con cái thì sẽ không nắm bắt được hết những vấn đề con gặp phải trên trường, con có thể rơi vào trạng thái chán nản, buồn chán”, cô Hiền Loan, một giáo viên tiểu học, cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ nghĩ là chương trình hiện giờ khác lúc trước mình học rất nhiều nên bản thân cũng không thể chỉ dạy gì nhiều. Một cô giáo ở quận Phú Nhuận kể cô thường gửi nhận xét về vấn đề sức khỏe, học tập và vui chơi của học sinh cho gia đình và dặn dò xem rất kỹ.
Sau hai tuần gửi, cô vẫn nhận lại những tờ giấy nhận xét xếp đúng y chang thứ tự, không có dấu hiệu nào đã được mở ra xem.
Theo cô, học sinh nếu không được sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ thì kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng phản ứng với các tình huống của cháu sẽ rất kém so với bạn bè.
Cô N.T.K.C., giáo viên chủ nhiệm lớp 2 một trường dân lập quốc tế tại TP.HCM, cũng kể lại một trường hợp rất đáng tiếc, một học sinh phải đi nước ngoài điều trị những chấn thương về tâm lý do không được sự quan tâm đúng đắn từ gia đình.
“Ba mẹ cháu rất bận, giao hết việc chăm sóc, quản lý cháu cho ông bà và người giúp việc. Họ nghĩ rằng trong nhà luôn có người lớn nên yên tâm. Khi cháu học lớp 4, cô giáo ở trường phát hiện thấy cháu hay nghịch bộ phận sinh dục. Trao đổi với ông bà thì ông bà không hề hay biết tình trạng này. Đến một năm sau, khi cháu đã học lớp 5, sự việc vẫn tiếp diễn. Đến lúc đó mới phát hiện ra rằng cháu nghiện xem phim “người lớn”.
Do ông bà đã già, mắt lại kém nên mỗi lần vào phòng cháu đều nghĩ rằng cháu chỉ xem phim hoạt hình vô hại. Đến khi mọi chuyện vỡ lở thì đã quá muộn, cháu đã có những tổn thương tâm lý nhất định. Vì quá ám ảnh, đam mê với những thước phim đó mà cháu không tập trung được vào việc học. Gia đình phải đưa cháu đi nước ngoài để điều trị tâm lý”, cô C. kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận