Ngày càng nhiều bạn trẻ đến Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q. 1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
“Đường sách TP.HCM còn thiếu các đầu sách nghiên cứu, chẳng hạn như sách ngành khoa học xã hội, thường phát hành trước hết ở khu vực phía Bắc, người đọc tại TP.HCM rất khó tìm |
Anh Phan Thành Nhơn (bạn đọc tại TP.HCM) |
PV báo Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HOÀNG - giám đốc Công ty Đường sách và bà QUÁCH THU NGUYỆT - phó giám đốc công ty về các ý tưởng phát triển Đường sách trong tương lai nhân công ty vừa có đợt tổng kết năm, thăm dò tác động của Đường sách đối với nhu cầu của công chúng.
* Theo kết quả khảo sát khách hàng mà công ty thực hiện, 76,4% số ý kiến cho biết họ hài lòng nhất ở Đường sách là cảnh quan đẹp, không khí mát mẻ, yên tĩnh; số ý kiến cho biết đến Đường sách để đọc sách chiếm 36,2% và con số tới mua sách là 58,6%.
Theo ban giám đốc, như vậy hoạt động kinh doanh sách tại đây có thật sự hiệu quả?
- Ông Lê Hoàng: Trong định hướng ngay từ khi lập đề án xây dựng Đường sách TP.HCM, mục tiêu là xây dựng nơi đây thành một không gian văn hóa xoay quanh các hoạt động về sách và phát triển văn hóa đọc.
Tỉ lệ 36,2% công chúng đến đọc sách ở Đường sách là khả quan, bên cạnh đó còn con số 58,6% khách hàng đến mua sách ở Đường sách cũng rất quan trọng.
Và mặc dù định hướng Đường sách không lấy việc kinh doanh làm ưu tiên hàng đầu, nhưng thực tế trong hơn một năm qua hoạt động kinh doanh tại đây khá tốt.
Điều này thể hiện ở chỗ: tất cả các gian hàng thông qua mức thu - chi hằng ngày đều đủ để chi trả cho các chi phí về bộ máy hoạt động và khấu hao tài sản của các đơn vị.
Điểm thứ hai là không chỉ có bán lẻ, Đường sách còn là chỗ giao dịch, kết nối làm ăn giữa các đối tác và những đơn vị đang trở thành đối tác của nhau, điều này không nằm trong thu - chi hằng ngày nhưng cũng là hiệu quả đáng kể.
Thứ ba là việc quảng bá sách mới cũng như việc xuất hiện thương hiệu đơn vị ở Đường sách được xem như một cách đóng dấu thương hiệu.
Việc ra mắt sách ở đây giúp nâng uy tín các đơn vị làm sách lên, thử hình dung với số lượng 4.000 - 5.000 lượt người đến Đường sách trong những ngày thường, đó là kênh để quảng bá sách hiệu quả.
* Trong phiên họp tổng kết Đường sách vừa qua, có vẻ ban giám đốc Công ty Đường sách chú trọng đến nhóm giải pháp truyền thông cho Đường sách để tăng tính tương tác với bạn đọc và quảng bá “thương hiệu Đường sách”. Hiện đã có ý tưởng gì cho việc truyền thông về Đường sách?
- Bà Quách Thu Nguyệt: Hiện chúng tôi đang tổ chức thực hiện brochure thông tin về Đường sách, in ấn đẹp, bắt mắt, đồng thời làm quầy thông tin ở đầu Đường sách để bạn đọc tiếp cận.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang giao bộ phận chuyên trách thực hiện một số mẫu card-postal có nội dung thông tin về Đường sách để in, phát hành đến bạn đọc.
Vừa rồi, có bà Masako Okamura - giám đốc điều hành sáng tạo Công ty quảng cáo truyền thông Dentsu Vietnam - đến Đường sách và bày tỏ rất thích câu slogan “Đường tri thức - đường tương lai” của Đường sách TP.HCM.
Bà cho biết sẽ thực hiện một ý tưởng sáng tạo để đi thi quốc tế lấy thông tin nền tảng và cảm hứng từ Đường sách TP.HCM. Có một đồ án dự thi như vậy, Đường sách TP.HCM cũng được quảng bá trong giới chuyên gia sáng tạo của các công ty truyền thông quốc tế, nên chúng tôi đồng ý với bà Masako.
Cũng trong mạch “vươn ra thế giới”, chúng tôi sắp tới đây sẽ thiết kế catalogue cho Đường sách để chào sang Hội chợ sách quốc tế Frankfurt.
Cũng nên nói thêm là trong khi hướng tới các hoạt động hướng ngoại như vậy, chúng tôi vẫn chú ý củng cố các vấn đề nội tại của Đường sách. Đó là cần phải đa dạng hơn nữa các chủng loại sách; ngay cả hoạt động giới thiệu sách tới đây cũng sẽ đổi mới hình thức và nội dung.
* Còn về định hướng hoạt động năm 2017 và các năm tới, Công ty Đường sách có hoạch định lại nội dung hoạt động cho Đường sách?
- Ông Lê Hoàng: Ban giám đốc Đường sách ngoài việc tiếp tục phát huy chủ lực về các hoạt động xoay quanh sách còn nỗ lực làm thêm các việc: chú ý thỏa mãn nhu cầu có tính tập trung của các đối tượng đến với Đường sách: các em thiếu nhi, học sinh sinh viên, nhân viên văn phòng, giới trí thức, du khách trong và ngoài nước...
Đường sách sẽ làm sao để vừa đạt hiệu quả kinh doanh vừa phát triển văn hóa đọc. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức lại không gian tự nhiên trong một không gian có sẵn của Đường sách để tăng tiện ích hơn nữa cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa đọc của những người đến với Đường sách.
- Bà Quách Thu Nguyệt: Sắp tới, Đường sách sẽ có đề án xây dựng và phát triển lòng đường Nguyễn Văn Bình đoạn từ đường Hai Bà Trưng vào đến cà phê Phương Nam.
Nơi đây sẽ có một thư viện mini chủ yếu tập trung sách phục vụ các em thiếu nhi đọc tại đây. Bên cạnh đó là bố trí các kiôt sách cũ với hình thức đẹp, bắt mắt, tổ chức lại khu vực sách cũ theo hướng tạo điều kiện cho bất kỳ ai nếu muốn đều có thể tham gia luân phiên trao đổi sách cũ.
Hiện tại, chúng tôi đang huy động ý tưởng từ các kiến trúc sư để tổ chức không gian lòng đường ở đoạn này thành một sân chơi cho trẻ, có thể sẽ có cả sân khấu được bố trí ở đây.
Ngoài ra, có một số đơn vị đang đặt vấn đề tổ chức thêm một số nội dung ở Đường sách như chương trình giáo dục STEM; chương trình giáo dục cộng đồng về chăm sóc trẻ từ 0-6 tuổi của Unicef; hay là tổ chức “Giờ đọc tiếng Anh” tại Đường sách để phục vụ các em thiếu nhi tại đây...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận