17/10/2020 10:30 GMT+7

Quảng bá áo dài từ các di sản

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Hiếm có trang phục dân tộc nào lại góp phần vào tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài Việt Nam.

Quảng bá áo dài từ các di sản - Ảnh 1.

Áo dài của nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch (trái) được trưng bày tại triển lãm “Áo dài và di sản văn hóa” - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Việt Nam có 13 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì có đến 7 di sản liên quan đến chiếc áo dài như: quan họ, ca trù, hát xoan, ví - giặm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử. 

Các loại hình nghệ thuật này đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân khi biểu diễn.

Hiếm có trang phục dân tộc nào lại góp phần vào tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài Việt Nam. 

Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng của trang phục này trong nghệ thuật và cần sớm được lập hồ sơ đề xuất công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo khoa học "Áo dài và di sản văn hóa", được Bảo tàng Áo dài, Viện Du lịch và Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng 16-10 trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2020. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nghệ nhân và sinh viên.

Áo dài luôn có mặt trong các loại hình nghệ thuật dân tộc

Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài - cho biết: "Các bạn trẻ Việt Nam chưa hiểu nhiều về các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Trong khi đó, chiếc áo dài đóng góp rất nhiều trong 7 di sản này. 

Muốn các bạn trẻ tiếp cận, yêu quý và giới thiệu chiếc áo dài đến du khách trong và ngoài nước thì các bạn phải hiểu và yêu nó. Để làm được điều này, cần tôn vinh các di sản văn hóa, trước nhất là các di sản".

Theo NSƯT Hồng Oanh, áo dài gắn liền với câu hát ví, giặm Nghệ Tĩnh. Khi hát trong các lễ hội, phụ nữ mặc trang phục áo dài, yếm đào và khăn tròn. Sau này, áo dài sử dụng trong hát ví, giặm được cải biên, chất liệu được thay đổi, họa tiết hài hòa.

"Trang phục này vừa tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng vừa làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ. Còn đối với nam, áo dài giúp tạo nên nét trang trọng, tính cách chững chạc cho người đàn ông" - bà Oanh nhận xét.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: Trong đờn ca tài tử, không có quy định bắt buộc trang phục khi biểu diễn phải là áo dài, nhưng khi lên sân khấu các nghệ sĩ đều chọn áo dài. Hay tại các cuộc thi liên quan đến cải lương, đờn ca tài tử, dù không ai quy định nhưng phụ nữ đi thi đều mặc áo dài và tự tin với trang phục này.

Có thể thấy áo dài luôn là trang phục được người nghệ sĩ chọn để biểu diễn các loại hình nghệ thuật của dân tộc, không lẫn vào đâu được. Bà Ngọc Vân cho rằng nên biến các di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch, bởi khách quốc tế không phải ai cũng biết Việt Nam có những di sản quý như vậy. 

Đến Việt Nam, du khách sẽ được nghe ca trù hay đờn ca tài tử với những nghệ sĩ biểu diễn trong trang phục áo dài, được tiếp cận cả câu chuyện của áo dài và giá trị của di sản.

Chưa công nhận nghệ nhân may áo dài

Đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là điều mong mỏi của rất nhiều người. Tuy nhiên, trước hết áo dài phải trở thành quốc phục của quốc gia, có văn bản nhà nước chứng thực. 

Theo bà Ngọc Vân, bản thân áo dài chỉ là một vật thể, để áo dài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì hồ sơ cần xem xét từ nghề may áo dài đến không gian mặc áo dài. "Nếu xét về chọn không gian văn hóa thì cả Hà Nội, Huế, TP.HCM đều xứng đáng là quê hương của chiếc áo dài. 

TP.HCM trong 7 năm qua đã tổ chức thành công lễ hội áo dài hằng năm cũng là một minh chứng về lan tỏa tình yêu áo dài trong công chúng" - bà Ngọc Vân nói.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, bà Ngọc Vân cho biết Bảo tàng Áo dài đã tổ chức các tọa đàm "Lịch sử áo dài", "Kỹ thuật cắt may", "Chất liệu may" để chuẩn bị tư liệu nền cho hồ sơ về áo dài nếu TP.HCM là địa phương đứng ra làm hồ sơ xét duyệt.

Bà cũng chia sẻ một trăn trở là bảo tàng từng "báo động" tình trạng chưa có nghệ nhân may áo dài (Nhà nước chưa công nhận nghệ nhân may áo dài). Trong khi đó, nghề may là bí quyết của mỗi gia đình, không dễ truyền bá rộng rãi, để áo dài trở thành di sản thì phải có nghệ nhân may áo dài nắm giữ kỹ thuật may có trình độ cao.

Tôn vinh vai trò của áo dài

Trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2020, Bảo tàng Áo dài tổ chức triển lãm "Áo dài và di sản văn hóa" tại Bảo tàng Áo dài (77 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) từ nay đến hết tháng 11-2020.

Triển lãm giới thiệu những chiếc áo dài gắn liền với các nghệ sĩ, nghệ nhân thực hành các di sản văn hóa phi vật thể như áo dài của nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch, nghệ nhân quan họ Nguyễn Phú Hiệp, nghệ nhân ví - giặm Hồng Oanh, nghệ sĩ đờn ca tài tử Huỳnh Khải, nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ, áo dài của giáo sư Trần Văn Khê… Triển lãm còn tái hiện một góc không gian của nghề may.

Cục Di sản ủng hộ Huế thí điểm đưa chiếc áo dài nam truyền thống vào công sở Cục Di sản ủng hộ Huế thí điểm đưa chiếc áo dài nam truyền thống vào công sở

TTO - Là một cơ quan làm về công tác di sản văn hóa nên Cục Di sản văn hóa rất ủng hộ và khuyến khích việc thí điểm này của Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế như một nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản vào cuộc sống.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp