Các nữ sĩ quan quân y thực tập tạo ra lửa từ bùi nhùi, cách sinh tồn trong điều kiện khó khăn - Ảnh: Bệnh viện 175 cung cấp |
Bệnh viện có 70 quân nhân là các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên. Tất cả đã sẵn sàng lên đường đi châu Phi.
Đây là đơn vị quân y đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được chọn tiên phong làm nhiệm vụ quốc tế - tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Những người lính của BVDC số 1 này mặc quân phục oai phong, với chiếc mũ nồi xanh hiền hòa mang biểu tượng của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đang háo hức chờ ngày sang châu Phi làm nhiệm vụ.
Huấn luyện đặc biệt
Giám đốc BVDC số 1 là thiếu tá, bác sĩ Bùi Đức Thành, 39 tuổi. Trông anh rất ưa nhìn với vẻ ngoài uy nghiêm, nhưng gương mặt hiền hậu.
Bác sĩ Thành là người tình nguyện đầu quân vào lực lượng này dù đang làm luận án tiến sĩ, vợ đang học ở Hà Nội, con nhỏ mới 6 tuổi phải nhờ bà ngoại vào chăm sóc.
Nói về việc tình nguyện này, thiếu tá Thành cười hiền: “Châu Phi thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống và công việc rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nhưng thấy mình có đủ tiêu chuẩn nên tôi xin đi. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự, cho tôi cơ hội va chạm, thử thách và hoàn thiện bản thân”.
Theo thiếu tá Thành, tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ vào BVDC số 1 phải qua hai bước sàng lọc gắt gao, từ đơn vị quân nhân đang công tác và tại BVDC số 1.
Do nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, công việc chuyên môn đặc thù nên đòi hỏi người tham gia phải có phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết, tinh thần vượt khó.
Đồng thời phải đạt các tiêu chuẩn: có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững, ngoại ngữ giỏi, sức khỏe tốt mới có thể chịu đựng nổi thời tiết ở châu Phi khi mùa nóng có nơi lên đến hơn 500C, thiếu nước sinh hoạt và mùa mưa kéo dài, ngập úng, môi trường làm việc có nhiều bệnh truyền nhiễm như Ebola, sốt vàng da châu Phi...
Để làm tốt nhiệm vụ khi sang châu Phi, toàn bộ sĩ quan, chiến sĩ BVDC số 1 phải tham gia đợt huấn luyện dã ngoại đặc biệt, do các giảng viên có kinh nghiệm của Lữ đoàn 429 đặc công hướng dẫn.
Qua đó anh em biết cách định vị tọa độ khi lạc hướng, biết tạo ra lửa và tìm nguồn nước, biết nhận dạng thực vật ăn được, biết làm bẫy bắt thú rừng cũng như cách tự thoát ra khi bị bắt hay phục kích, biết phát hiện vị trí có mìn để vượt qua... nhằm tồn tại trong mọi hoàn cảnh.
Sau khi được tuyển chọn, trải qua nhiều khóa huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ BVDC số 1 còn phải vượt qua kỳ kiểm tra rất kỹ - nhất là với sĩ quan, chỉ huy chủ chốt - của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Khi đạt hết các tiêu chí, điều kiện mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu mới được cấp chứng chỉ tham gia.
“Đợt huấn luyện dã ngoại một tuần cả ngày lẫn đêm trong rừng sâu ở huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) là trải nghiệm thực tế và thử thách khó khăn.
Cứ chiều tối là trời mưa như trút nước. Có hôm quần áo ướt hết, nước mưa chảy cả vào chén cơm đang ăn, đêm ngủ trên tăng võng ẩm ướt, có khi không thể tạo ra lửa để nấu ăn... nhưng anh em đều hăng say học tập và thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội.
Hiện BVDC số 1 đã hoàn thành cơ bản các khóa huấn luyện, chỉ đợi quyết định điều động là đi” - thiếu tá Thành nói.
Những bóng hồng mũ nồi xanh
Ở BVDC số 1 còn có chín bóng hồng cũng ngày đêm học tập, rèn luyện. Nếu các đồng nghiệp nam cố gắng mười lần khi huấn luyện, đào tạo thì các chị phải nỗ lực gấp trăm lần.
Đại úy Bùi Thị Xoa, 41 tuổi, là điều dưỡng của Bệnh viện 7B ở Đồng Nai. Khi mới nhận lệnh về BVDC số 1, chị Xoa cũng lo lắng, chưa biết sắp xếp chuyện gia đình thế nào nhưng chị kiên định: “Là đảng viên, tôi xác định khi chỉ huy điều động là sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.
Việc khó nhất với chị Xoa không phải những ngày vất vả đi huấn luyện dã ngoại, mà là... học tiếng Anh. “Lớn tuổi rồi nên học khá vất vả, tôi phải cố gắng hết sức. Nhưng giờ ổn rồi” - đại úy Xoa vui vẻ nói.
Nhận xét về chị Xoa, trung tá Phan Duy Trung - bí thư Đảng ủy BVDC số 1 - chia sẻ: “Thời gian đầu huấn luyện ở TP.HCM, do chưa có chỗ ở nên ngày nào chị Xoa cũng phải chạy xe từ Đồng Nai về TP và ngược lại tới 60km để học tập và chăm sóc con, do chồng chị cũng là bộ đội phải công tác xa nhà.
Sau đó chị quyết định chuyển nhà về TP ở để tiện đưa đón con đi học và an tâm công tác. Chị Xoa đã khắc phục khó khăn và vượt lên hoàn cảnh rất tốt. Chị học tiếng Anh rất chăm chỉ và kết thúc khóa học được khen thưởng vì có nhiều nỗ lực, cố gắng trong học tập”.
Một bóng hồng khác là thượng úy Phạm Thị Thu Trang (37 tuổi) cũng được ban giám đốc Bệnh viện 175 và BVDC số 1 đánh giá cao.
Theo trung tá Phan Duy Trung, chị Trang là điều dưỡng của Bệnh viện Quân đoàn 4 (Bình Dương) được điều về. Để nhận nhiệm vụ, thượng úy Trang phải gửi con gái 11 tuổi về Quảng Bình nhờ ông bà ngoại nuôi dưỡng.
Nhớ lại lúc nhận lệnh về BVDC số 1, chị Trang tâm sự: “Mới đầu tôi rất bất ngờ, sau đó là sợ vì nghe nói phải đi châu Phi và chưa hiểu nhiệm vụ mới thế nào. Sau khi được chỉ huy động viên và biết có nhiều chị em cùng đi nên tôi không sợ nữa. Hiện giờ tôi rất háo hức chờ ngày đi”.
Theo trung tá Phan Duy Trung, những ngày huấn luyện dã ngoại ở huyện Phú Giáo, nhìn các chị dầm mình dưới mưa ướt lạnh, phải học tập mọi kỹ năng như các đồng nghiệp nam, đêm nằm tăng võng ngủ rừng, anh em ai cũng xót nhưng các chị vẫn quyết tâm bám đội hình, không rời hàng ngũ.
Cán bộ, chiến sĩ BVDC số 1 trong đợt huấn luyện dã ngoại tại Bình Dương - Ảnh: Bệnh viện 175 cung cấp |
Chưa có tiền lệ
Theo thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện 175, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chọn Bệnh viện 175 đi tiên phong xây dựng BVDC số 1 là do bệnh viện có đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Với bệnh viện, đó là vinh dự, tự hào nhưng trách nhiệm cũng rất lớn vì việc quản lý, tổ chức, chỉ huy một BVDC thế nào chưa hề có tiền lệ.
Để thực hiện nhiệm vụ mới, Đảng ủy, ban giám đốc Bệnh viện 175 phải vừa làm vừa tìm hiểu. Với đội ngũ cán bộ BVDC số 1, nhiều người mới đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, chỉ huy lần đầu nên khá bỡ ngỡ.
Bệnh viện 175 phải liên hệ, mời các giảng viên trong nước và nước ngoài (Úc, Mỹ, Trung Quốc...) đến giảng dạy, huấn luyện đào tạo, hướng dẫn chuẩn bị các phương án hoạt động trên địa bàn mới.
“Lúc đầu anh em chưa hình dung ra nhiệm vụ thế nào, cộng thêm đa số ở xa đơn vị, thời gian tập trung huấn luyện kéo dài, cuộc sống gia đình khó khăn... nên có lo lắng. Hiểu được tâm tư này, chúng tôi luôn gần gũi, động viên, hỗ trợ vật chất. Đến nay anh em đã yên tâm gác lại tình riêng, sắp xếp gia đình để chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ” - thiếu tướng Sơn nói.
Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, đặc điểm và tính chất công việc của BVDC số 1 khi làm nhiệm vụ quốc tế nhân đạo ở châu Phi hoàn toàn khác với thực tế ở VN.
Khu vực cần có Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc để ổn định là những nước có hoàn cảnh đặc biệt phức tạp, điều kiện sống khó khăn, có những bất ổn, xung đột chính trị giữa các phe phái, sắc tộc.
Do vậy khi sang châu Phi, tất cả phải hoạt động hoàn toàn độc lập, phải am hiểu khác biệt văn hóa, tôn giáo, nắm chắc luật pháp quốc tế và các quy định của Liên Hiệp Quốc ở những nước sở tại, phải giỏi tiếng Anh để giao tiếp, đáp ứng yêu cầu công việc.
Một đơn vị mới BVDC gồm các cấp 1, 2 và 3. Cao nhất là cấp 1. BVDC số 1 đặt tại Bệnh viện 175 thuộc cấp 2 và là BVDC đầu tiên ở VN phục vụ nhu cầu huấn luyện nhân viên y tế tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. BVDC số 1 được thành lập ngày 25-11-2014 theo quyết định của bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7-2015 chính thức tiếp nhận tổ chức biên chế và lực lượng từ các đơn vị: Bệnh viện 175, Bệnh viện 7B - Quân khu 7, Bệnh viện Quân đoàn 4, Cục Quân y và Trung tâm Gìn giữ hòa bình VN. Người lớn tuổi nhất của lực lượng này là 45 tuổi, trẻ nhất 23 tuổi. |
Vinh dự và tự hào “Với trọng trách là đại diện cho cả quân đội và đất nước, lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chúng tôi luôn xác định phải làm thật tốt để anh em đi đủ, về đủ. BVDC số 1 phải có những đóng góp thật sự hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cho Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở châu Phi cũng như chăm sóc sức khỏe cho cả người dân, người tị nạn tại nơi BVDC số 1 đóng quân. Đây cũng là cơ hội để chúng ta giới thiệu, quảng bá đất nước, con người VN cho bạn bè quốc tế biết, cũng như giới thiệu hình ảnh bộ đội Cụ Hồ không chỉ chiến đấu giỏi mà làm nghề y cũng rất tốt” - thiếu tướng, bác sĩ quân y Nguyễn Hồng Sơn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận