Tết gần kề, nghe những chủ quán tuổi đời còn khá trẻ kể chuyện tận dụng ứng dụng, chúng tôi cảm nhận phần nào sự nỗ lực hết mình của họ trong thời buổi khó khăn hiện nay.
Bán qua ứng dụng, đơn hàng tăng
Xế chiều, mùi gà hấp chín hòa cùng lá chanh, sả… dìu dịu bay ra từ một quán trong hẻm đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) thuộc chuỗi gà hấp muối lá chanh A Sơn. Không khí tất bật khi phía ngoài 3 - 4 shipper chờ đợi, bên trong anh Phan Thế Sơn (sáng lập chuỗi) nhận đơn, còn nhân viên gói gà vào giấy bạc chỉn chu.
Đó là một ngày bình thường của quán anh Sơn từ khi thành đối tác GrabFood. Ngơi tay, anh chia sẻ: "Tôi bắt đầu kinh doanh năm 2021, chủ yếu bán qua Facebook. Nhưng sau đó gặp nhiều khó khăn như mất thời gian chốt đơn, đặt shipper giao, phải tự chạy quảng cáo…".
Chuyển sang bán trên GrabFood tháng 5-2022, anh nói vài tháng đầu lượng đơn lai rai, đủ trang trải tiền mặt bằng, sinh hoạt. "Sau đó thuận lợi hơn, tôi mở chi nhánh ở Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 6... Mỗi ngày cơ sở Nguyễn Thái Bình bán hơn 70 đơn, còn cơ sở khác từ 40 đơn", anh nói.
Nhớ lại ngày mới kinh doanh, anh bộc bạch: "Các món ăn từ gà được ưa thích, nhưng gà nướng thì người ta bán nhiều rồi nên tôi học cách làm gà hấp muối. Món này kỳ công, thịt mọng nước, ngon ngọt mà không cần nêm gia vị. Ngoài ra, chúng tôi còn có gà ủ muối, chân gà hấp, cơm lam…". Xác định mở quán trong hẻm, vợ chồng anh từng mất cả tháng đèo nhau đi tìm mặt bằng.
Vừa chuẩn bị những hộp rau răm, dưa leo ngon mắt để khách ăn kèm, anh vừa nói: "Nhiều lúc giá gà tươi độn lên, có thời điểm chúng tôi lấy công làm lời vì chi phí bỏ ra cao, nào là giấy bạc giữ nóng, lá chanh tươi để hấp, sả… Nhưng tôi chú trọng đưa món ngon đến cho khách".
Dĩ nhiên món chất lượng thì đơn mới nhiều. "Chúng tôi chuộng làm gà thả vườn, thịt mềm nên người lớn tuổi, trẻ con, kể cả người đã làm răng cũng ăn được. Tôi đưa ra mức giá 150.000 đồng/con để tiếp cận được nhiều khách hàng, và lấy số lượng bù vào", anh chia sẻ.
Vượt qua khó khăn ban đầu
Đối diện một chung cư cũ trong hẻm đường Lê Văn Sỹ (quận 3), quán Hoàng Trịnh Food xôm tụ với dáng thướt tha của các cô gái văn phòng ghé ăn trưa và bóng áo xanh shipper tới lấy món đem giao.
"Một cơm chiên hải sản, một nui xào bò", anh Trịnh Trọng Tường (24 tuổi, chủ quán) hướng vào trong bếp. Hai thanh niên nhanh nhẹn trút cơm ra đĩa, rồi chuyển sang món cơm chiên dương châu.
"Tốt nghiệp đại học, tôi từng đi làm một thời gian rồi mở quán ăn từ tháng 9-2022 và mới chuyển về hẻm này. Tôi chọn những món này kinh doanh vì dễ hợp khẩu vị, lượng khách văn phòng ổn định", anh nói.
Ngày mới mở quán, thiếu nhân viên, anh gặp tình trạng nhiều khi shipper đến phải chờ đợi. Giờ đã tuyển được 4 người và quán được biết đến nhiều hơn, mỗi ngày anh bán hơn 100 đơn với giá món ăn khoảng từ 30.000 đồng.
Về việc bán qua ứng dụng, anh nói: "Chúng tôi liên kết GrabFood từ lúc mở quán, chủ yếu bán qua app. Quán nhiều đơn buổi trưa, thời gian còn lại bán lai rai. Cơm chiên hải sản là món khách chuộng nhiều".
Tiếp thu bí quyết buôn bán từ ba mẹ đang bán cơm tấm, thêm người bạn đại học hiện làm đầu bếp quán, anh cho biết đó là lợi thế khi tập tành kinh doanh. Sau thời gian đầu trầy trật, hơn nửa năm nay quán đi vào hoạt động ổn định.
Những chủ quán như anh Tường, anh Sơn đều nhận thấy kinh doanh trong hẻm cũng có nhiều lợi thế. "Tiền thuê mặt bằng rẻ hơn, đặc biệt những hẻm đông dân cư sẽ bán chạy. Trước đây tôi bán mặt tiền đường nhưng không ổn như ở đây", anh Tường nói.
Việc liên kết ứng dụng, anh Tường cho rằng sẽ đặc biệt hữu ích cho những quán mặt bằng nhỏ, nằm trong hẻm. Tương tự, anh Sơn nói bây giờ việc bán quán ăn núp hẻm phải nhờ đến các kênh thương mại điện tử và ứng dụng giao thức ăn đưa sản phẩm đến khách.
"GrabFood có các chương trình khuyến mãi hợp lý cho quán và có lợi cho khách. Tôi thấy sự phản hồi từ ứng dụng này nhanh, giao diện dễ sử dụng, dễ kiểm tra doanh thu và số lượng đơn", anh Sơn chia sẻ.
Mong Tết đậm đơn hàng
Anh Tường cho biết Tết này sẽ bán đến 27 tháng chạp rồi nghỉ đến khoảng mùng 6 tháng giêng. Gia đình chuyển vào Sài Gòn từ lâu nên Tết anh thường ít về quê. Anh mong những ngày này lượng khách sẽ nhiều, vì đến sát Tết khách văn phòng đã nghỉ làm.
"Bây giờ có những đơn một lần 10 - 20 phần, chúng tôi phải tranh thủ ra đơn nhanh cho shipper giao. Cũng tội các anh, chở đơn nhiều cực lắm…", anh nói. Anh dự định sẽ mở rộng quán, thêm một số món như cơm chiên sườn.
Anh chia sẻ: "Có những khách từ khi quán mới mở tới nay vẫn ủng hộ, đây là niềm vui, cộng thêm các bạn nhân viên nhiệt tình gắn bó". Cuối năm, anh sẽ tổ chức buổi tất niên ấm cúng cho nhân viên.
Từ rằm tháng chạp đến cuối năm, lượng đơn của quán anh Sơn tăng vì nhu cầu tất niên, họp mặt nhiều. "Tiệm tôi bán cả ngày lẫn đêm, và đắt hàng nhất là những ngày lễ, ngày có phong tục cúng kiếng", anh nói.
Cả anh Tường và anh Sơn đều có điểm giống nhau, từng làm shipper trước khi thành chủ quán. Hiểu nỗi vất vả của việc kiếm tiền, họ thân thiện, hay hỏi han shipper để việc giao nhận đơn vơi đi mệt nhọc.
Chiều muộn, anh Sơn vẫn chăm chú theo dõi cuộc gọi "nổ" đơn và gật đầu chào "đợi xíu nhé anh, 5 phút nữa xong đơn" khi shipper trờ xe tới. Anh mong sau này sẽ về gầy dựng thương hiệu gà hấp muối ở quê nhà Đắk Lắk.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận