Binh lính và xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ canh gác chốt kiểm soát ở biên giới với Syria - Ảnh: Reuters |
Thị trấn này nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhìn thấy khói bốc lên phía thị trấn Kobane, nơi lực lượng IS bắt đầu nã pháo từ sáng. Xe tăng của lực lượng này cũng bao vây các khu vực lân cận.
“Chúng tôi bị dồn vào một khu vực nhỏ, không có lực lượng nào tiếp cận chúng tôi trong khi biên giới đã đóng. Tôi nghĩ sẽ xảy ra thảm sát” - lãnh đạo người Kurd tại Kobane Esmat al-Sheikh nói với Reuters qua điện thoại.
Các tay súng IS hiện đã kiểm soát khu vực phía tây thành phố và Kobane là chốt cuối cùng để nhóm khủng bố này chiếm hoàn toàn vùng đất từ Raqqa đến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và kiểm soát một đoạn liên tục biên giới giữa hai nước.
Bước tiến của IS dường như không bị ảnh hưởng dù Mỹ và các đồng minh đã mở loạt không kích mới hôm 2-10 tại khu vực gần thị trấn Kobane ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi tình hình?
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ ngăn Kobane rơi vào tay IS bằng mọi giá.
“Chúng tôi không muốn Kobane rơi vào tay IS. Không có nước nào có khả năng tác động lên diễn biến tình hình ở Syria và Iraq và cũng không có nước nào bị ảnh hưởng nhiều như chúng tôi” - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố.
Trong những ngày qua, hàng trăm nghìn người dân Kobane đã chạy loạn đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội nước này hôm 2-10 đã cho phép mở các chiến dịch quân sự qua biên giới với Syria để tiêu diệt IS và cho phép các lực lượng trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu sử dụng lãnh thổ nước này để thực hiện các chiến dịch tương tự.
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến dịch không kích không thể đánh bại được IS.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các chiến dịch tấn công IS và cho biết Washington sẽ tiếp tục thảo luận với Ankara về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, Syria ngày 3-10 chỉ trích hành động hung hăng của Ankara vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Theo giới quan sát, binh lính được NATO đào tạo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch không kích của quốc tế, trong khi các căn cứ ở nước này sẽ tạo ra lợi thế lớn về thời gian chiến đấu. Tuy nhiên chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó xoay chuyển được cuộc khủng hoảng lan rộng ở Syria và Iraq.
Nỗ lực xây dựng liên minh
Chính phủ Úc ngày 3-10 đã bật đèn xanh cho không quân nước này tham gia chiến dịch không kích chống IS ở Iraq do Mỹ phát động.
Theo đó, tám chiếc F/A -18F Super Hornet của quân đội Úc sẽ thực hiện các chiến dịch không kích IS trong vòng vài ngày tới. Lực lượng đặc nhiệm Úc cũng sẽ có mặt ở Iraq để hỗ trợ quân đội địa phương chống IS nhưng sẽ không tham gia chiến đấu trực tiếp.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết chiến dịch của nước này có thể sẽ kéo dài nhiều tháng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian để thuyết phục Paris tham gia chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria.
Pháp là nước đầu tiên tham gia liên quân chống IS ở Iraq nhưng lo ngại rằng không kích ở Syria sẽ tạo ra khoảng trống để lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad chiếm lại những vùng đã mất về tay phiến quân.
Reuters dẫn nguồn tin Chính phủ Mỹ cho biết không có cam kết nào được đưa ra sau cuộc gặp. Bộ trưởng Chuck Hagel không đưa ra đề nghị rõ ràng với người đồng cấp Pháp và ngược lại, ông Le Drian cũng không loại trừ việc tham gia không kích Syria.
Cùng ngày, văn phòng Tổng thống Pháp François Hollande cho biết bên cạnh các cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq, Paris sẽ tăng cường hỗ trợ các lực lượng đối lập ở Syria.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2-10 thừa nhận rằng cuộc chiến ngăn chặn IS ở Syria, Iraq của Mỹ và liên quân sẽ kéo dài.
Theo ông, Mỹ cần phải đợi các nước khác sẵn sàng hậu thuẫn, sự ủng hộ đang ngày một tăng. “Giờ đây chúng ta đã có một liên quân nhưng đó vẫn sẽ là một cuộc chiến cực kỳ dài”.
Canada ngày 3-10 cũng công bố kế hoạch gửi chiến đấu cơ CF-18, máy bay do thám tham gia chiến dịch chống IS ở Trung Đông. Một nguồn tin quân sự nước này cho biết máy bay CF-8 có thể xuất phát từ Canada và có mặt để chiến đấu trong vòng 24 giờ.
Trong khi đó ở châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu thuyết phục người dân về việc Berlin tham gia cuộc chiến chống IS.
“Đây là thách thức của cả thế giới, không chỉ riêng của Mỹ hay các nước Ả Rập. Việc chống khủng bố là vì lợi ích của nước Đức” - bà Merkel nói.
Nhiều người Đức lo ngại về việc tham chiến cùng Mỹ, nhất là khi Berlin vừa kết thúc chiến dịch chống Taliban ở Afghanistan vài tháng trước.
Nhà nước Hồi giáo - Thành lập vào năm 2013 từ tổ chức Al Qaeda ở Iraq, IS bắt đầu chiếm khu vực Raqqa ở miền đông Syria. - Nhóm này chiếm nhiều khu vực của Iraq từ tháng 6-2014 và tuyên bố thành lập một nhà nước của các khu vực chiếm được từ Syria và Iraq. - IS tàn sát các nhóm phi Hồi giáo như Yazidis, Thiên Chúa giáo và nhóm người Hồi giáo Shia, cắt đầu các binh lính, phóng viên và nhân viên cứu trợ quốc tế. - Mỹ ước tính có khoảng 31.000 chiến binh IS ở Syria và Iraq. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận