24/04/2015 22:04 GMT+7

Việt Nam chỉ còn 100-120 con voi

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF - Việt Nam), quần thể voi châu Á (Elephas maximus) đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng khi chỉ còn 100-120 con phân bố rải rác ở tám tỉnh.

Hội thảo bàn biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam ngày 24-4 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trung (đề nghị tòa soạn sử dụng ảnh voi bị sát hại hoặc chết để có tính thời sự)
Hội thảo bàn biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam ngày 24-4 tại Hà Nội - Ảnh: Quỳnh Trung 

WWF - Việt Nam cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, riêng tại tỉnh Đắk Lắk đã có năm con voi bị chết, trong đó có bốn voi nhà và một voi hoang dã. Gần đây nhất có một con voi con nặng gần 100kg bị phát hiện đã chết sáng 24-3-2015 tại tiểu khu 71B thuộc Công ty lâm nghiệp Ea Wy, xã Cư A Mung, huyện Ea Hleo.

Trước đó ngày 23-3, một con voi 1 tuổi nặng 80kg bị phát hiện chết trong tư thế cắm đầu xuống mương nước trong rẫy của người dân ở Định Quán, Đồng Nai.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Đặng - Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, từ năm 2009-2015 có 29 con voi bị sát hại. Trong đó sáu con voi được xác nhận do người dân sát hại.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, cho biết ở Buôn Đôn hiện nay chủ yếu là voi già từ 35 đến trên 60 tuổi. Ông Thiện nói nếu không có biện pháp bảo tồn phù hợp thì chỉ trong 10-15 năm nữa sẽ không còn voi ở Buôn Đôn.

Cần có một khung pháp lý tổng hợp

Trước tình trạng cấp bách này, WWF - Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội thảo tham vấn đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam vào ngày 24-4 tại Hà Nội.

Theo đề án “Tổng thể bảo tồn voi giai đoạn 2013-2020” theo quyết định 763/QĐ-TTg ngày 25-1 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam quy hoạch ba vùng ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã gồm tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Cát Tiên và tỉnh Đồng Nai.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Vụ Kế hoạch tài chính Tổng cục Lâm nghiệp, nhấn mạnh cần phải lập ngay các đề án bảo tồn và phát triển bền vững đàn voi ở Việt Nam, đừng để mất bò mới lo làm chuồng.

“Tôi thấy ngân sách không phải do thiếu hụt mà do chi không đúng quy trình và thủ tục. Ví dụ xây dựng tượng đài thì có thể xây sau, nhưng việc bảo tồn động vật hoang dã nếu không làm ngay thì mai mốt chúng ta có thể không làm được nữa” - ông Bình nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Việt Nam thiếu chuyên môn, sinh cảnh, kiến thức và công cụ trong việc bảo tồn và phát triển voi. Ông nói để bảo tồn voi còn cần sự hỗ trợ từ quốc tế. 

“Thái Lan sẵn sàng giúp hỗ trợ sinh sản cho voi ở Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cần phải nâng cao năng lực của cán bộ bảo tồn. Ví dụ ở Vườn quốc gia Yok Đôn chỉ có hai cán bộ biết tiếng Anh thì làm sao quan hệ quốc tế được” - ông Thiện thở dài.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành không được thống nhất, nguồn lực không tập trung, dẫn đến hiệu quả của dự án không cao.

Xung đột gia tăng giữa voi và người

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Đặng, nguyên nhân cơ bản gây nên sự xung đột ngày một gia tăng giữa voi và người dân những năm gần đây là do sinh cảnh của voi bị thu hẹp và suy thoái, không cung cấp đủ nguồn thức ăn, nước uống và nhu cầu hoạt động di chuyển của voi. Do đó voi xâm nhập nương rẫy, cánh đồng gây thiệt hại lớn về vật chất cho một số hộ dân, dẫn đến tình trạng đối kháng sâu sắc giữa người và voi.

Do chưa có được các giải pháp phòng tránh voi hiệu quả, người dân đã sử dụng những biện pháp xua đuổi rất nguy hiểm đối với voi như: ném bình gas nhỏ vào voi cho nổ, ném lửa vào voi, soi đèn pha… hay sử dụng một số hóa chất có mùi hôi thối (kể cả thuốc bã chuột) rải xung quanh vườn, rẫy. 

Ngoài ra, trong quá trình canh tác nông nghiệp, nhằm hạn chế sâu bệnh hại cây trồng và kích thích cây trồng sinh trưởng, người dân đã sử dụng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau có hại cho voi. Người dân cũng đào giếng, xây bể lấy tưới nước cây, đào hào dẫn nước ở rẫy… mà không có biện pháp phòng ngừa động vật sa xuống nên cũng là nguy cơ gây hại cho voi, nhất là voi con.

Hiện trường voi rừng con bị chết, lột da, cắt chân - Ảnh: Yến Thanh
Hiện trường voi rừng con bị chết, lột da, cắt chân - Ảnh: Yến Thanh

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, giám đốc WWF - Việt Nam, chia sẻ: “Tại Việt Nam tê giác một sừng đã tuyệt chủng năm 2010, loài hổ đang bên bờ tuyệt chủng với quần thể tồn tại mong manh ngoài tự nhiên và không có dấu hiệu của sự sinh sản từ năm 2008, quần thể voi cũng chỉ còn hơn 100 con ngoài tự nhiên và đang trên đường giảm số lượng. Vì thế chúng ta phải làm mọi cách để cứu chúng khỏi chung số phận với hai loài trên”.

Quần thể voi suy giảm mạnh

Theo ông Ngô Lê Trụ - Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, quần thể voi ở Việt Nam đang suy giảm mạnh. Giai đoạn 1975-1980 có 1.500-2.000 con voi. Giai đoạn 1995-2000 có 100-150 con voi tập trung ở 17 khu vực. Năm 2006 đến nay ước tính 70-130 con voi tập trung ở 10 khu vực.

Số lượng cá thể và cơ cấu đàn tốt nhất còn ở ba tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, và Đồng Nai. Tỉnh Nghệ An còn 13-17 con. Tỉnh Đồng Nai còn một đàn khoảng 10 con phân bố chủ yếu ở khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Tỉnh Đắk Lắk có đàn voi 83-110 con.

Voi nhà cũng đang suy giảm. Hiện Việt Nam còn khoảng 47 voi nhà, chủ yếu ở Đắk Lắk.  

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp