Du xuân tại quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan - Ảnh: S.G
Đền đáp những kỳ công ấy là những kiệt tác giữa mây ngàn gió núi, để người Việt có thêm một điểm đến linh thiêng chiêm bái cầu an.
Đường lên cõi Phật mây bay
Chúng tôi lên Fansipan vào những ngày rét đầu xuân. Nhiệt độ có lúc xuống âm độ, mưa mù mịt mùng đến mức người đứng cách nửa mét cũng chìm trong mờ ảo. Gió rít từng cơn, sẵn sàng quật ngã những bước chân không vững.
Nhích từng bước trong "cái tủ lạnh khổng lồ" ấy, mới thấu hiểu, để tạo nên một "thành phố trong mây" Fansipan như các tín đồ sống ảo vẫn ví von, những người làm nên cáp treo và các công trình trên đỉnh cao này đã phải dũng cảm đến thế nào.
Nguyễn Tuấn Anh - nhân viên Sun World Fansipan Legend - dẫn chúng tôi tới quần thể tâm linh mới khánh thành trên khu vực đỉnh. Ở độ cao 3.000m, Đại tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao 21,5m sừng sững uy nghiêm. Trong mây bay huyền ảo, nét từ bi ẩn hiện khi tỏ khi mờ.
Từ Đại tượng Phật, con đường La Hán- nơi ngự tọa 18 bức tượng La Hán bằng đồng cao 2,5m từ bi, trầm mặc trong bảng lảng mây bay - sẽ dẫn bước tới quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Dọc đường, những cây đỗ quyên hàng trăm năm tuổi vươn mình trong giá rét, đang bật lên những mầm nụ, chờ sang tháng 3 là bung nở những sắc trắng, vàng, đỏ, tím hồng… Bước trên con đường La Hán, ngỡ như đi giữa cõi Phật huyền diệu.
Như một quần thể sơn tự đã tồn tại ở đỉnh thiêng Fansipan từ nhiều năm trước, Kim Sơn Bảo Thắng Tự mang vẻ đẹp cổ kính của những ngôi chùa gỗ Việt Nam từ thế kỷ 15-16. Trong quần thể ấy, Đại hùng Bảo điện là nơi ngự tọa của nhiều pho tượng Phật được tạo tác kỳ công bằng lõi gỗ mít, sơn son thếp bạc, đặc biệt nhất là bức tượng Phật A Di Đà ngồi cao 3,8m.
Hành lang Tả Vu - Hữu Vu của Đại hùng Bảo điện đặt 18 tượng La Hán bằng gỗ mít cao 2m. Đứng trước những Phật đài uy nghiêm ấy, thấy những tham, sân, si trên đời bỗng chốc phù du.
Cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan - Ảnh: S.G
Trên trục chính của quần thể là một tòa bảo tháp cao 11 tầng, cao 20m, được làm bằng đá nguyên khối có kiến trúc kế thừa phong cách ngôi tháp chùa Phổ Minh ở Nam Định - nơi quàn xá lỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng Quan âm cao 9m, ngự trên một tảng đá vươn cao, mặt hướng về sân mây và cảnh núi non hùng vỹ, đài gác Đại Hồng Chung cao 35m với lầu chuông tám mái… đi hết quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan, cũng là vừa kịp lên đến đỉnh cao 3.143m huyền thoại, nơi chỉ còn cách vài chục bậc đá nữa. Chạm tay vào Nóc nhà Đông Dương, tan hòa tâm hồn trong mây núi trập trùng… không chốn bồng lai tiên cảnh hay cõi tâm linh nào trên đất Việt sở hữu vẻ đẹp huyền diệu như thế.
Kiệt tác nối mạch nguồn
Trò chuyện với Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người thiết kế quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan, mới thấu hiểu để xây dựng được những sơn tự như "mọc ra từ đá núi" ấy là cả một kỳ tích.
Giáo sư Kính nói: "Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ xây dựng các công trình tâm linh hùng vĩ như vậy ở các đỉnh cao như Fansipan, đặc biệt trong điều kiện núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nhiều mưa, độ ẩm cao, gió mạnh, băng giá…".
GS Kính cũng gọi quá trình thi công công trình kiến trúc tâm linh này là một kỳ công. Hàng chục ngàn tấn đá nguyên khối, hàng ngàn mét khối gỗ, hàng vạn viên ngói phục chế, tất cả vật liệu để xây dựng các chùa, bảo tháp, tháp chuông và hàng ngàn bậc đá uốn theo từng thế đất đã được vận chuyển thủ công bằng cáp công vụ, bằng tay và sức người lên đỉnh, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt khi chỉ đứng ở trên đỉnh núi đó đã đủ khó rồi.
Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính
Với nguyên tắc tôn trọng và hạn chế tối đa sự can thiệp vào thiên nhiên, gắn với thiên nhiên, đứng trọn trong thiên nhiên, cụm công trình tâm linh được quy hoạch kỹ đến từng chi tiết.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho biết: "Chúng tôi chọn quy mô vừa phải, không tạo ra sân thềm rộng lớn, không tạo ra những lối đi thẳng băng mà chia ra thành các hạng mục nhỏ để lồng ghép làm sao hài hòa với cảnh quan thiên nhiên".
Trong cụm công trình tâm linh ấy, Đại tượng Phật A Di Đà là một "thành tựu" đúng theo nghĩa đen, khi ứng dụng kỹ thuật thi công lần đầu tiên có tại Việt Nam.
Đây không phải là pho tượng đúc thông thường mà được tạo thành bởi hàng ngàn vạn tấm đồng dày 5mm gia công tại chỗ, ốp trên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1.000m3.
"Chưa có công trình nào làm kỳ công như vậy", Giáo sư Hoàng Đạo Kính nói trong sự cảm phục những con người đã cùng ông biến những bản vẽ và tâm huyết của cả đội ngũ thiết kế và Sun Group thành hiện thực.
Tại đại lễ cầu an ở Fansipan đầu năm 2018, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - phát biểu: "Đây là những kỳ quan trong thế kỷ 21 và cũng là những di sản mà chúng ta để lại cho hậu thế mai sau, để tiếp tục mạch nguồn văn hóa của cha ông từ quá khứ, hiện tại, cho tới tương lai".
Lan tỏa những mạch nguồn văn hóa, đặt kiệt tác tâm linh trong kiệt tác thiên nhiên, để đời sau còn ghi dấu mãi, khát khao đó đã trở thành động lực giúp hàng trăm con người vượt qua những thời khắc băng giá đông cứng, qua những vực sâu, vách đá hiểm trở, để "lát đá lên đỉnh trời", dựng tượng Phật và những công trình tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh cao Fansipan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận