23/01/2018 09:00 GMT+7

Quan tham lên sàn kịch

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Hội Sân khấu TP.HCM vừa giới thiệu đến khán giả vở kịch 'Kỳ án xứ Mặt Trời' (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Thái Kim Tùng) tại rạp Công Nhân.

Quan tham lên sàn kịch - Ảnh 1.

Từ trái qua: Hồng Thắm (vai cô hầu phòng), Chánh Trực (vai huyện quan) và NSƯT Mỹ Uyên (vai Nguyệt Hồng) trong Kỳ án xứ Mặt Trời - Ảnh: LINH ĐOAN

Chuyện xảy ra ở xứ sở Mặt Trời. Ngày nọ, dân chúng xôn xao chuẩn bị đón vị quan mới có tên Trần Trung Chánh về nhậm chức quan huyện. Ngay buổi lễ nhậm chức, bất ngờ xảy ra vụ án giết người cướp của khá bí ẩn. Tân huyện quan tuyên bố ông là người thanh liêm và nổi tiếng phá án chỉ trong ba ngày. Quan trổ tài ra sao và hung thủ liệu có được lôi ra ánh sáng?

Đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng (từng đạo diễn các vở Giấc mơ, Rau răm ở lại...) được Hội Sân khấu tin tưởng giao trách nhiệm lèo lái vở diễn. Anh chia sẻ: "Yếu tố vụ án chỉ là cái cớ để bộc lộ câu chuyện quan tham. Họa sĩ thiết kế sân khấu cũng theo hướng siêu thực, họa sĩ vẽ phục trang đã phá cách để làm lạ mắt người xem. 

Bởi thế, khi mở màn vở diễn có câu hát: Đây là đâu, đây là đâu, nào ai biết? Có nghĩa không gian câu chuyện là một nơi giả định, nơi nào đó, thời nào đó không ai biết được. Theo tôi, câu chuyện này đúng với mọi thời đại nên không cần thiết tả cụ thể thời nào".

Kỳ án xứ Mặt Trời đã có những giây phút khiến người xem cười ra nước mắt với những cái xấu lộng hành ẩn sau lớp bọc quyền thế. Chánh Trực - tân phó giám đốc Nhà hát 5B - thể hiện rất tốt nhân vật quan huyện miệng nói nhân nói nghĩa, nhưng thực chất chỉ là tên quan biến chất. 

Chánh Trực khiến người ta cười mỏi miệng từ đầu tới cuối vở với phong cách hài duyên dáng và thông minh. Huyện quan của Chánh Trực đã được cho một không gian "dư dả" để đá hết chuyện thời sự này qua chuyện thời sự khác, từ nạn tham nhũng, lạm dụng chức quyền, quan liêu, bệnh thành tích đến chuyện xây tượng đài, thi hoa hậu...

Những ý tứ thâm sâu trong vở kịch thi thoảng làm người xem nhói đau. Khi người đứng đầu không nghiêm minh thì đất nước sẽ loạn, lòng dân bất an. Như câu nói nhân vật A Ngưu (Võ Minh Lâm đóng) chua chát thốt lên: "Đất lưu manh đẻ người lưu manh...". Bởi A Ngưu tuy là kẻ có chữ nhưng cuối cùng chấp nhận mình chỉ là tên nghiện rượu, lưu manh trong mắt người đời. Cũng vì sự loạn lạc mà người tài giỏi, những vị quan thanh liêm như lão Khổ (Thái Kim Tùng) phải giấu mình, trở thành lão bán rượu hòng yên ổn tấm thân.

Kỳ án xứ Mặt Trời có lẽ sẽ ấn tượng hơn nếu vở được trau chuốt hơn, cho người xem thấy rõ hơn nỗi đau khốn cùng của dân đen, cũng như nhân vật lão Khổ nên được xây dựng "nặng ký" hơn để thấy rõ sự đối lập giữa quan tham và quan thanh liêm. Để từ hàng ghế khán giả, người xem thêm chua xót: người có tài có tâm sẽ ngày càng mất đi nếu sự thối nát, kệch cỡm lên ngôi...

Lại Văn Sâm: Có kịch bản hay thì hài Bắc hay Nam đều hay

TTO - Nhận lời dẫn chương trình ca nhạc - hài kịch Xuân phát tài, nhà báo Lại Văn Sâm cho rằng chất lượng của hài Bắc hay Nam không do yếu tố vùng miền mà phụ thuộc vào kịch bản.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp