Hồi ức làng quê - Tranh:
Ý tưởng cho tranh vẽ cũng khó tìm như ý tưởng cho viết văn vậy.
MƯỜNG MÁN
Tự nhận là người theo đuổi ước mơ hội họa từ tuổi học trò nhưng lớn lên lại theo nghiệp văn thơ, nên Mường Mán vẫn tranh thủ đến với tranh vẽ mỗi khi có dịp.
Rẽ ngang vào hội họa
Nhiều thập niên trước, bạn đọc các tập san Áo Trắng hẳn còn nhớ nét vẽ minh họa của Mường Mán trên các truyện ngắn, trang thơ, góc nhạc... Thời ấy, có không ít bạn đọc ở nhiều vùng miền say mê các dáng hình thiếu nữ trong những tranh minh họa của Mường Mán.
Có người cho rằng đó là một kiểu thức nối dài từ phong cách của các họa sĩ miền Nam hồi trước như Đinh Cường, Bửu Chỉ và cả Trịnh Công Sơn, với đặc điểm nổi bật là nhân vật nữ trong tranh thường có ngấn cổ cao, vai gầy gợi cảm...
Mường Mán bên tác phẩm Nón lá và hoa - Ảnh: L.Điền
Nhưng tranh minh họa trên báo chỉ là đường nét. Cách nay 15 năm, khi quyết định "nghỉ hưu non" ở quãng tuổi quá nửa đời người, Mường Mán "rẽ ngang" vào hội họa bằng cách chuyển thể các bức tranh minh họa trên báo trước kia sang chất liệu sơn dầu trên vải bố. Bước khởi nghiệp hội họa của ông đầy ngẫu hứng như thế.
Đây cũng là thời kỳ Mường Mán được thực hiện ước mơ thuở xưa. Hội họa đã chiếm phần lớn cảm xúc của ông sau khi ông đã đóng góp cho làng văn gần 30 tác phẩm văn học.
Và thật kỳ lạ, Mường Mán xuất hiện trong hội họa có sức quyến rũ khác, có chiều sâu và gợi cảm riêng. Xem tranh, người ta mường tượng về những nàng con gái tuổi học trò thời "qua mấy ngõ hoa" nay chừng như đã hóa thân vào tranh với nhiều sắc độ khác.
Trên đồi thu - Tranh: MƯỜNG MÁN
Vẫn còn thấp thoáng những ngấn cổ cao và vai gầy guộc nhỏ, nhưng thiếu nữ trong tranh Mường Mán được ông đưa ra để chuyên chở các ý tứ mới mẻ về nghệ thuật.
Đó là tác phẩm lập thể được gọi tên Hoa miên hương, hay bức Hạnh phúc trôi với bố cục và màu sắc giản dị, nhưng ý tưởng đôi con cá bên chiếc võng hai người để lại nhiều dư vị cho người xem.
Những ai một thời lưu luyến hình ảnh thiếu nữ trên sách báo miền Nam từ trước năm 1975 đến vài thập niên sau đó có thể bắt gặp tại "Tuần trăng mê hoặc" này trong một số tác phẩm như: Nón lá và hoa, Trên đồi thu, Nguyệt cầm trắng, Sang thu...
Nguyệt cầm trắng - Tranh: MƯỜNG MÁN
Những suy tư riêng
Công chúng có dịp thưởng tranh sẽ nhận ra ý tứ trong Mường Mán thật dồi dào.
Không chỉ như ông tự ví von "Vẽ xuân trăng tròn đầy khuôn / vẽ thu xiêm lộng dưới nguồn sương sa / vẽ tục lụy vẽ phù hoa / thênh thang cõi mộng bao la cõi đời", trong triển lãm lần này có cả những hoài niệm xa xưa; đó là một chút hồng của sen trong thành nội dường như vẫn còn ám ảnh kẻ xa quê (Sen trong thành nội), là hồi ức làng quê thuở thiếu thời tượng hình thành con trâu và lũ trẻ dưới cội cây già (Hồi ức làng quê)...
Lại có một phân khúc tranh của Mường Mán dường như muốn đưa người xem vừa đi vào chỗ trần trụi của cuộc đời, lại vừa gợi cho người ta phải động não về triết lý nhân sinh.
Sen trong thành nội - Tranh: MƯỜNG MÁN
Vì vậy mà tại Tuần trăng mê hoặc, người ta có thể bắt gặp cái chông chênh phồn thực trong tác phẩm Cõng rượu lên non, nét táo bạo trong Tình nồng, bên cạnh nét huyền ảo của Vườn chiêm bao, Khúc chiều xanh, cấu tứ thao thức trong Nghe sen và Những ngọn nến chúc phúc là một phá cách bất ngờ thú vị của tay cọ Mường Mán.
Cũng chính tác giả tâm sự khởi đầu công việc vẽ tranh, Mường Mán không có ý "luyện" theo một trường phái nào, vẽ theo những gì ông nghĩ và thấy đẹp. "Nhưng gần đây, tôi chợt nhận ra tranh của tôi gần với dòng biểu hiện và huyền ảo" - Mường Mán chia sẻ.
Và chỗ mê hoặc của Tuần trăng mê hoặc chính là điều họa sĩ Lê Thánh Thư đã phát hiện: "Đây là tranh của một người mới vọc, anh vẽ với cảm xúc tự nhiên và những suy tư riêng. Cái độc đáo của những tác phẩm này là nó được vẽ từ một tâm hồn văn học".
Một số tranh của Mường Mán trong triển lãm Tuần trăng mê hoặc:
Vườn chiêm bao - Tranh: MƯỜNG MÁN
Thiếu nữ và mèo - Tranh: MƯỜNG MÁN
Những ngọn nến chúc phúc - Tranh: MƯỜNG MÁN
Mảnh vỡ thời gian - Tranh: MƯỜNG MÁN
Khúc chiều xanh - Tranh: MƯỜNG MÁN
Áo đêm - Tranh: MƯỜNG MÁN
Nghe sen - Tranh: MƯỜNG MÁN
Hoa miên hương - Tranh: MƯỜNG MÁN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận