Một trong những cây xăng bị phát hiện bán xăng giả cho khách hàng - Ảnh: PV
Bên hành lang Quốc hội sáng 7-6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định chắc chắn những dạng làm ăn, kinh doanh xăng dầu phi pháp còn rất nhiều, phức tạp.
Các vụ vi phạm về chất lượng bằng cách pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 với dung môi, bột tạo màu, xăng dầu kém chất lượng, hoặc pha trộn xăng sinh học E5 RON92 vào xăng không chì RON95 với một tỉ lệ nhất định bán ra thị trường hiện nay rất nhiều.
Ông Trần Hữu Linh (tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường)
Bán xăng, dung môi phi pháp rất nhiều
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói thêm qua nắm tình hình ban đầu, Bộ Công an đã thấy có rất nhiều quan hệ kinh tế bất thường nên các lực lượng mới tập trung xác định nguồn hàng hóa, tìm hiểu tại sao có sự bất thường về giá cả.
Quá trình điều tra rất công phu, lĩnh vực kinh tế kỹ thuật đòi hỏi đội ngũ công an phải có sự tìm hiểu rất kỹ lưỡng mới có kết luận được.
Và theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xử lý những vụ như trên sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng chung nhưng có thể thấy rằng những hành vi làm giả hàng hóa xăng dầu là rất nguy hiểm.
"Chắc chắn những kiểu dạng làm ăn, kinh doanh xăng dầu phi pháp còn rất nhiều, rất phức tạp" - ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Thực tế, đã có nhiều vụ buôn bán dung môi cùng với xăng dầu phi pháp bị phát hiện.
Như ngày 9-1-2018, Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang nhân viên Doanh nghiệp tư nhân Vạn Nguyên 2 (P.An Bình, Q.Ninh Kiều) đang bơm dung môi từ xe bồn sang một xe bồn khác tại kho của doanh nghiệp này.
Lúc này một xe bồn chứa 6.000 lít dung môi, còn xe kia có 3.000 lít dung môi và 3.000 lít xăng A95.
Lực lượng công an cũng phát hiện tại doanh nghiệp này hàng nghìn lít xăng dầu không có hóa đơn chứng từ.
Mở rộng, công an tiếp tục khám xét doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Khải Hà (thị trấn Phong Điền, Cần Thơ) phát hiện 5 bồn chứa với hàng chục ngàn lít xăng dầu không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ hàng triệu lít dung môi trong đường dây sản xuất xăng giả - Ảnh: B.A.
Tương tự, tháng 10-2017, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Sở KH-CN bắt giữ 42.000 lít dung môi, 22.000 lít xăng đã được pha chế và 3 lọ chất tạo màu. Hai doanh nghiệp bị bắt quả tang pha trộn lượng dung môi và xăng trên là Thanh Ngũ và Kiên Lục.
Theo điều tra, từ tháng 8-2017 đến lúc bị phát hiện, doanh nghiệp Kiên Lục đã mua 320.000 lít chất dung môi từ Cần Thơ về Nghệ An.
Sau đó, doanh nghiệp này đã pha dung môi vào xăng RON92 nguyên chất, đồng thời bán dung môi cho một số doanh nghiệp khác pha chế với xăng A92 theo tỉ lệ từ 20-50% dung môi tạo thành khoảng 2 triệu lít xăng "bẩn" và đem bán cho nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Còn tại TP.HCM, ngày 28-5-2017 tại khu vực Bình Khánh sông Soài Rạp thuộc khu vực cửa khẩu cảng TP.HCM, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP bắt giữ phương tiện do ông T.V.Danh (sinh năm 1966, thường trú tại Hậu Giang) điều khiển.
Trên xe có hơn 1 triệu lít dung môi được pha trộn từ chất solmix với toluene. Đây là dung môi có thể pha trộn thành xăng giả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cũng cho biết các vụ vi phạm về chất lượng khi các đối tượng pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 được pha chế với chất dung môi bột tạo màu, xăng dầu kém chất lượng, hoặc pha trộn xăng sinh học E5 RON92 vào xăng không chì RON95 với một tỉ lệ nhất định bán ra thị trường hiện nay rất nhiều.
Quy định quản lý xăng dầu hiện chưa đủ chặt để ngăn chặn nạn bán xăng giả và xăng nhập lậu. Trong ảnh: một vụ bắt xăng nghi nhập lậu trên vùng biển Quảng Ngãi tháng 4-2019 - Ảnh: N.C.
Quy định tưởng chặt hóa lỏng
Trước thực trạng trên, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - thừa nhận hiện nay đang có bất cập trong hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu.
Bởi theo ông Đông, mục tiêu Nhà nước quản lý chặt chẽ về giá và chất lượng, nhưng tình hình hoạt động của doanh nghiệp "thiên biến vạn hóa, không thể kiểm soát nổi, có hiện tượng gian lận".
Ông Đông cho biết thêm hiện có 32 đơn vị là thương nhân đầu mối (kinh doanh xuất nhập khẩu) được phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm, pha chế xăng dầu, mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các đầu mối khác.
Các đơn vị này cũng được phân phối xăng dầu qua hệ thống trực thuộc và qua hệ thống thương nhân là tổng đại lý, đại lý bán lẻ và thương nhân phân phối, nhượng quyền.
Ngoài việc bán buôn xăng dầu cho đơn vị bán lẻ, giao theo hình thức đại lý, các đơn vị trên có thể bán xuống hệ thống phân phối, nhượng quyền.
Còn đối với hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ và cửa hàng phân phối xăng dầu, theo quy định hiện nay thì mỗi hệ thống chỉ được quyền nhập xăng dầu từ một thương nhân đầu mối/phân phối hoặc đại lý.
Quy định cũng buộc các thương nhân đầu mối, phân phối, tổng đại lý, đại lý phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống của mình, trường hợp đại lý vi phạm thì phải chịu trách nhiệm liên đới.
Nhưng nhận xét về các quy định trên, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng đang có bất cập, lỗ hổng trong quản lý nên mới có tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ, cửa hàng.
Mặc dù đã có quy định thương nhân kinh doanh, phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng phải ghi chép chứng từ, số lượng và chất lượng xăng dầu, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được đầu vào, còn đầu ra thì rất khó.
"Tình trạng người dân mua xăng dầu tại các cửa hàng không lấy hóa đơn khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được lượng xăng dầu bán ra. Do đó, các hệ thống có thể nhập nhèm đưa xăng lậu, xăng kém chất lượng vào" - vị này cho hay.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Cửa hàng bán xăng giả sẽ bị xử lý hình sự
Khó xử lý nạn bán xen xăng mua bên ngoàiLiên quan đến thông tin xăng giả, xăng kém chất lượng từ kho ông Trịnh Sướng phân phối cho hàng chục cửa hàng bán xăng, luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho hay nếu các chủ cửa hàng bán xăng dầu biết xăng giả, xăng kém chất lượng mà vẫn nhập vào để bán sẽ bị xử lý hình sự về tội danh"mua bán hàng giả".
Trong trường hợp này, cơ quan công an phải chứng minh việc các cửa hàng "biết" và "cố ý" mua xăng giả của ông Sướng để bán lại.
Ví dụ: có bàn bạc, móc nối, biết xăng kém chất lượng, xăng giả vẫn phân phối; giá xăng giả rõ ràng là thấp nhưng cửa hàng vẫn ham lời mua để bán...
Trường hợp cửa hàng bán lẻ không biết xăng đó là xăng giả, xăng kém chất lượng, mua để bán lẻ thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các cây xăng bán lẻ xăng dầu giả, kém chất lượng cho các chủ phương tiện (xe cộ, tàu thuyền...) sử dụng dẫn đến bị hư hỏng động cơ, cháy nổ gây thiệt hại về tài sản hoặc về người phải có trách nhiệm trước tiên về việc bồi thường đối với khách hàng.
* Ông Đào Văn Hùng - phó giám đốc Petrolimex Sài Gòn - cho biết các doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn không có công cụ để kiểm soát các đại lý của mình.
Doanh nghiệp đầu mối cũng không được quyền kiểm tra, đối chiếu sổ sách xuất nhập xăng dầu của các cửa hàng, đồng thời hiện nay chưa có chế tài xử lý nên cần bổ sung khi sửa nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
ÁI NHÂN - NGỌC HIỂN
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Một số vụ cháy xe gần đây
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, xăng giả của nhóm Trịnh Sướng là một trong những nguyên nhân gây ra cháy xe.
Từ đó, một số luật sư có ý kiến cho rằng công an cần mở rộng điều tra để xác định rõ nguyên nhân, từ đó quy trách nhiệm bồi thường. Một số vụ cháy xe gần đây:
* Ngày 18-5-2019, xe khách giường nằm biển số TP.HCM đang đỗ trên đường Phạm Hữu Chí, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) bất ngờ phát cháy.
* Trưa 21-8-2018, xe khách giường nằm đang đợi khách trên đường Nguyễn Hậu (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) bất ngờ bốc cháy.
* Ngày 17-11-2017, trên đường Lê Hồng Phong (P.3, TP Sóc Trăng), xe máy bị bốc cháy dữ dội khi lưu thông trên đường. Chủ xe là chị Lưu Thị Chanh (huyện Trần Đề) cho hay trước đó ít phút vừa đổ xăng, chạy ra đường dù rất chậm thì xe phát cháy.
ÁI NHÂN
Đại lý của Trịnh Sướng tìm nhà cung cấp mới
Một chi nhánh cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Gia Thành, phường 7, TP Sóc Trăng - Ảnh: K.T.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 7-6 tại Sóc Trăng, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống "gia đình" và các đại lý của đại gia Trịnh Sướng vẫn hoạt động bình thường.
Tuy vậy, theo giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu, dù Công ty TNHH Mỹ Hưng của ông Trịnh Sướng vẫn đang hoạt động bình thường nhưng cung ứng không đầy đủ xăng dầu cho các cửa hàng.
Do ông Sướng bị bắt nên không thể ký giấy tờ, giao dịch có khó khăn. Tại Sóc Trăng, công ty của ông Sướng cung ứng xăng dầu cho trên 80 cửa hàng.
Đến chiều 7-6, chưa có cửa hàng nào thanh lý xong hợp đồng với công ty này.
"Hiện có một số cửa hàng muốn thanh lý hợp đồng sớm để tìm đối tác mới. Tạm thời chúng tôi hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ký hợp đồng tìm nguồn cung mới, sau đó mới tính tiếp" - ông Chiêu nói.
Một doanh nghiệp ở TP Sóc Trăng là đại lý xăng dầu của Công ty TNHH Mỹ Hưng của ông Trịnh Sướng, nhưng khi ông này bị bắt đã tháo gỡ logo của Mỹ Hưng để tìm đối tác mới - Ảnh: K.T.
ửa hàng xăng dầu tại TP Sóc Trăng do Công ty TNHH Mỹ Hưng phân phối - Ảnh: K.T.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Thái Sơn - chủ tịch kiêm giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Petrolimex Tây Nam Bộ - cho biết thêm trong ngày 7-6, có một số chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Sóc Trăng do công ty xăng dầu của ông Trịnh Sướng cung cấp lâu nay liên hệ với công ty đặt vấn đề ký kết hợp đồng cung cấp nguồn xăng dầu thay thế.
Tuy nhiên, đơn vị này vẫn chưa thể ký kết được hợp đồng vì còn vướng thủ tục thanh lý hợp đồng cũ.
Ông Sơn cũng cho hay dù nguồn cung từ hệ thống xăng dầu của ông Sướng gặp trục trặc nhưng thị trường xăng dầu tại Sóc Trăng, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL chưa bị ảnh hưởng gì nhiều vì còn nhiều nhà cung cấp khác.
K.TÂM - H.T.DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận