Ngọc Duyên (Lương Duyên) trong vở Không cần đàn ông - Ảnh: GIA TIẾN |
Và “người ấy” còn đến từ lò của Hoàng Thái Thanh - một thương hiệu sân khấu không phải là “mối ruột” với các sân chơi truyền hình, game show hiện nay.
Thân phận đàn bà
Xuyên suốt các tiết mục dự thi trong “Kịch cùng bolero”, điều người ta thấy rõ ở Ngọc Duyên (nghệ danh trước đây là Lương Duyên) là sự đằm thắm, nữ tính trong cách viết, dàn dựng mà không kém phần đau đáu, day dứt.
Hầu hết là thân phận đàn bà, từ Màu son cũ đến Nhạn sầu, Chuyến tàu hoàng hôn và đêm chung kết là tiết mục Một kiếp nhân sinh.
Trong cái nhìn của Duyên, mỗi một thân phận mang những nỗi niềm riêng, khiến người ta rưng rưng, khắc khoải. Duyên điềm tĩnh, mềm mỏng nhưng khi cần cô vẫn có thể... cãi giám khảo để bảo vệ quan điểm.
Trở lại những ngày đầu khi ban tổ chức ngỏ lời mời tham dự chương trình, Duyên đã hết sức bất ngờ.
Dù đã có kinh nghiệm làm đạo diễn (cùng chồng - diễn viên Thế Sơn) một số vở ở sân khấu Hoàng Thái Thanh như Chú kiến lạc loài, 1002 đêm, Tình nhân đến với tình nhân (đoạt giải Cù nèo vàng của báo Tuổi Trẻ Cười năm 2012), nhưng lúc đầu Duyên cũng hoang mang, không biết chương trình có phù hợp với mình không.
Rồi để giải tỏa áp lực, Duyên tự nhủ: Cứ làm hết sức, mọi việc tùy duyên!
Biết mình ở đâu
Ngọc Duyên tốt nghiệp lớp đào tạo diễn viên của Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM năm 2005, lớp thầy Thành Hội chủ nhiệm và cô Ái Như phụ giảng.
Ra trường, suốt 12 năm, thầy cô đi đâu là Duyên theo đó, từ sân khấu 5B cho tới Hoàng Thái Thanh. Bởi vậy nói Duyên là học trò ruột của Thành Hội - Ái Như cũng không ngoa.
Hơn chục năm theo thầy cô, dù không bao giờ được đặc cách, ưu ái, có thời gian lẹt đẹt hoài với các vai phụ nhưng cô học trò vẫn cần mẫn tiếp nhận những bài học từ thầy cô hằng ngày.
Từ trường học của Hoàng Thái Thanh, các học trò cùng lứa của Duyên như Thế Sơn, Nguyễn Long, Tuyết Mai... được khuyến khích tập tành viết kịch bản, học cách xử lý âm thanh, ánh sáng trên sân khấu, học cách phân tích kịch bản, xử lý đạo cụ, hậu đài...
Cứ âm thầm học như thế mà đến một ngày cần dụng công là mọi thứ có vẻ đã sẵn sàng, Ngọc Duyên trong sân chơi “Kịch cùng bolero” là một ví dụ nhỏ như thế!
Duyên tâm sự: “Ngày xưa còn trẻ đôi lúc cũng có nóng ruột, nhưng càng học, càng làm nghề thì tôi ý thức được vị trí của mình ở đâu.
Tôi không lý tưởng để làm đào chánh nhưng ở tuyến nhân vật phụ, ở những dạng vai tính cách tôi luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình. Thầy cô luôn cho tôi vùng đất để tôi khai phá vai diễn của mình!”.
Người ta hay nói nghệ thuật giúp giải tỏa tâm tư, nỗi cô đơn. Còn Duyên lại cho rằng nghệ thuật làm tăng thêm nỗi cô đơn trong cô, nhưng đó là nỗi cô đơn ngọt ngào. Càng cô đơn, cô càng máu lửa với nghề, mày mò tất cả công việc từ viết kịch bản đến đạo diễn, diễn viên... để được sống trong không khí nghệ thuật. |
Ngôi nhà không có đàn ông
Ngọc Duyên kết hôn với bạn học là diễn viên Thế Sơn, nhưng cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi khi Thế Sơn ra đi sau một cơn bạo bệnh.
Cô đưa con gái về sống với mẹ ruột. Đã mấy năm trôi qua, căn nhà chỉ có những người phụ nữ (ba mẹ Duyên chia tay khi cô 2 tuổi, anh trai đã lập gia đình ra riêng).
Duyên cười: “Nhà tôi có những “người đàn ông” trong ngôi nhà không có đàn ông. “Thằng đàn ông” là tôi lo chạy kinh tế bên ngoài, “đàn ông” là mẹ quán xuyến hết mọi việc trong nhà!”.
Dù cười tươi nhưng ánh mắt Duyên vẫn buồn. Vậy mà không thấy cô than thở với ai cả, cô nhìn xa xăm: “Chuyện mình mình biết, tự nhiên trút qua người khác chi, tội người ta!”.
Cả ngày quay cuồng với công việc, từ làm tiểu phẩm truyền hình đến viết kịch bản sự kiện, rồi cùng cộng sự viết kịch bản phim ngắn, nhưng nguyên tắc của Duyên là đảm bảo lịch tập, lịch làm việc với Hoàng Thái Thanh.
Bất cứ khi nào thầy cô kêu là cô luôn có mặt. Đêm đến, khi con gái và mẹ già ngon giấc là lúc Duyên rời chiếc giường ấm hơi công chúa nhỏ đến bên bàn viết. Đó là lúc cô trăn trở với những số phận, cuộc đời.
Bàn tay gõ phím có khi xuyên đêm, thành quả của bao ngày cô “quằn quại” với câu chuyện, chủ đề trong tâm tưởng giờ được dịp tràn ra... Có lúc cô xách xe chạy ra nhà Quang Thảo rồi nói gọn lỏn: “Anh nấu cơm cho em ăn nghen!”.
Vậy là trong lúc ông anh lúi húi với xoong nồi thì cô nàng ngồi say sưa với trang viết. Thỉnh thoảng cô dừng lại, đặt ra vấn đề, tình huống cùng ông anh giải quyết, không giải quyết được thì... cãi, ai cãi thắng thì điều đó được chấp nhận đưa vào kịch bản.
Những tình bạn lâu năm với các anh chị lớn như thế làm Duyên không cảm thấy cô độc trên con đường nghệ thuật. Họ là đàn anh, đàn chị, tên tuổi “lớn” hơn Duyên nhưng khi cô em gái cần thì từ Tuyết Thu, Hạnh Thúy đến Quang Thảo, Đình Toàn, Đại Nghĩa... đều thu xếp để hỗ trợ cô hết lòng.
Với Duyên, không có cuộc đời bất hạnh. Hạnh phúc là do mình tạo ra. Cái hạnh phúc nhọc nhằn sau một ngày bươn chải của góa phụ trẻ đôi khi đơn giản là nụ cười trong trẻo của bé Su (bé Giáng Ngọc - con gái 7 tuổi của Ngọc Duyên).
Có lần, gần ngày giỗ của Thế Sơn, có một con bướm bay vào nhà, Duyên ôm con gái và bảo: “Su ơi, ba về kìa!”. Vậy mà cô bé tin, giờ có cánh bướm lạc vào nhà, Su lại vỗ tay reo lên: “Mẹ ơi, ba về!”...
Không buông bỏ đam mê Chúng tôi thương Duyên ở sự lì lợm. Cái lì của sự dai dẳng, cố gắng không buông bỏ đam mê. Nhiều lúc tôi biết em nản, nhưng qua cơn rồi em vẫn tiếp tục. Sự đau đáu, đam mê nghệ thuật ở Duyên thể hiện rất rõ. Ban đầu, Duyên nhìn... chán lắm, không có sự nổi bật, nhưng em cần mẫn, từ từ làm, từ từ thấm, trưởng thành qua từng ngày. Khi học trò đạt được điều gì đó chúng tôi rất mừng nhưng cũng hạn chế lời khen. Tôi nói với em một tiết mục kịch 30 phút rất khác so với một vở kịch dài ba tiếng. Giải thưởng này nọ không phải là điểm cuối, đừng bao giờ cảm thấy thỏa mãn, thỏa mãn nhân lên thành tự mãn rất nguy hiểm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận