Tô phở miền Tây
Năm tôi học tiểu học, trước cổng trường tôi có một quán phở. Ngày ấy, nhà tôi không khá giả nên thỉnh thoảng tôi mới được mẹ mua cho một tô phở bò. Mỗi ngày lúc tan trường, tôi và lũ bạn cứ đứng trước cổng trường ngửi mùi phở tỏa ra thơm nức thèm thuồng. Trong đám bạn, có đứa nghèo tới nỗi chưa được ăn phở lần nào.
Việc mẹ tôi mở quán phở khiến tôi sung sướng vô cùng. Quán nhỏ được dựng lên bên đường, mái lá và vách làm bằng ván gỗ, để mấy bộ bàn ghế nom đơn sơ nhưng thoáng mát và sạch sẽ. Mẹ tôi hay đùa là quán nhà nghèo.
Mỗi ngày, mẹ tôi phải dậy thật sớm để chuẩn bị nguyên liệu. Vừa nghe tiếng mẹ khua khua rổn rảng, tôi bò dậy, bỏ dở giấc ngủ ngon lành.
Mẹ tôi dùng một cái nồi lớn hầm xương ống bò. Dì tôi nướng củ hành tây, xắt thịt bò và làm những việc mẹ tôi chỉ đạo. Còn tôi vừa lặt rau vừa canh cái bếp củi hầm xương đang đỏ lửa.
Phở ở miền Tây quê tôi ngày xưa khác với phở bây giờ ở chỗ không dùng sợi phở dẹp mà là sợi hủ tiếu. Mẹ tôi dùng rất nhiều nguyên liệu như vỏ cây quế, đinh hương, hoa hồi, gừng nướng, thảo quả… cho vào nồi nước hầm kèm một quy trình nêm nếm phức tạp.
Sáng nào mẹ cũng làm cho tôi một tô phở đặc biệt. Tô nhỏ thôi nhưng mẹ phải sắp xếp rau thịt sao cho đẹp giống y như bán cho khách thì tôi… mới ăn.
Tô phở nóng khói bay nghi ngút thơm ngào ngạt. Chỉ cần cho tương đen, tương ớt đỏ vào nước lèo béo ngậy váng mỡ bò, đậm đà mùi thơm của vỏ quế, đinh hương…, thịt bò tái vừa mềm vừa ngọt, giá trụng, rau quế, ngò gai… hòa trộn với nước lèo thành một vị ngon lạ lùng trôi tuột xuống dạ dày thật đã không gì bằng.
Có bữa tôi còn được mẹ cho thêm hai cục bò viên giòn sần sật. Tôi ăn một mạch tới sợi phở cuối cùng.
Mẹ tôi hiền lắm nên buôn bán cũng rộng rãi. Đối với những người nghèo hay người lao động nặng, phụ hồ, mẹ tôi cho thêm sợi hủ tiếu và làm tô phở nom đầy đặn một chút để họ ăn thêm cho thật no bụng.
Mẹ tôi còn thuộc sở thích của từng khách hàng. Vì vậy mà quán phở mẹ tôi ngày một đông khách. Những chú tài xế lỡ đường ăn khuya tô phở cuối cùng còn được mẹ tôi tặng thêm cho mấy khúc xương ống bò nữa.
Sau khi húp xong tô phở ngon lành, các chú cầm khúc xương ống bò lên hút sột sột cho đến khi nào hết tủy trong xương ống thì thôi. Lúc tính tiền cũng vẫn hai ngàn rưỡi, các chú ngẩn ra bất ngờ.
Sau vài lần, họ để lại tờ năm ngàn đồng rồi vui vẻ chạy thật nhanh khỏi quán, không cho mẹ tôi kịp trả lại.
Một ngày nọ, vì thương đứa bạn nghèo chưa từng được ăn phở lần nào, tôi xin xỏ mẹ tôi cho nó một tô phở ăn để cho biết. Tất nhiên mẹ tôi đồng ý.
Ngày tôi kéo bạn đến quán, nó ngồi ngỡ ngàng nhìn tô phở với nhiều lát thịt bò, giá, ngò, rau quế... Nó ăn nhiệt tình tới giọt nước cuối cùng.
Ăn một lần thành nghiện, sau này nó còn tự đi hái rau lang, rau muống bán lấy tiền ăn phở. Mẹ tôi thương, lúc nào cũng chỉ lấy một ngàn đồng cho có lệ, rồi làm cho nó một tô phở đầy. Nó nhiệt tình ăn sạch sẽ đến đáy tô.
Vài năm sau, con đường quê tôi được mở rộng. Vì thế quán phở nhỏ nằm nép một bên đường của mẹ tôi cũng bắt buộc giải tỏa. Mẹ tôi lui về làm vườn, không còn thức khuya dậy sớm. Nhưng nhiều lần những người tài xế khách quen năm đó khi có dịp chạy xe ngang qua đều dừng lại kiếm tìm và hỏi thăm mẹ tôi.
Ai cũng nói nhớ hương vị tô phở bò ngày xưa, nhớ quán phở mái lá vách cây ấm cúng và còn nhớ chị chủ quán vui vẻ hiền lành hay cho họ xương ống bò những ngày xa xôi năm đó…
Bây giờ sau những ngày làm việc, tôi vẫn thường hay la cà ăn phở. Phở vẫn là món ăn yêu thích sau bao nhiêu năm khôn lớn trưởng thành. Nhưng tôi dù có ăn tô phở ngon đến thế nào, tô phở của mẹ ngày xưa vẫn là hương vị đặc biệt tôi chưa từng quên được.
Bạn tôi cũng vậy. Nó chưa bao giờ quên những tô phở đầy ắp tình thương của mẹ.
Thỉnh thoảng về thăm nhà, tôi lại ghé vào chợ mua nguyên liệu cho mẹ nấu phở.
Giá như thời gian quay lại một thời tuổi thơ vui vẻ, để tôi hồn nhiên ngồi húp tô phở thơm ngon của mẹ ở cái bán nghèo mái lá bên đường, chẳng mảy may nghĩ ngợi đến những khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại và chuyện cơm áo gạo tiền thì tốt biết bao…
Mời bạn tham gia cuộc thi "Kể chuyện về phở"
là chuỗi sự kiện do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017, phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Năm nay, gala chuỗi sự kiện dự kiến tổ chức tại Nam Định từ ngày 10 đến 12-12, với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Nam Định, cùng sự đồng hành chính thức của Acecook Việt Nam, cùng các đơn vị đồng hành: No.1, Sasco, tương ớt CHINSU, Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty Quân Phạm…
Báo phát động cuộc thi viết về phở với chủ đề "Kể chuyện về phở" từ ngày 28-10-2022 đến hết ngày 5-12-2022.
Đối với ba tác phẩm đoạt giải cao nhất trong vòng chung kết: Tác giả sẽ được mời ra Nam Định dự gala Ngày của phở 12-12 và sẽ thực hiện phần thi "Kể chuyện về phở" trực tiếp tại sự kiện, để ban giám khảo chọn ra người viết và kể chuyện về phở xuất sắc nhất.
Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12, diễn ra ngày 11-12-2022 tại Nam Định, bao gồm:
- 1 giải nhất cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải nhì cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 5 triệu đồng.
- 1 giải ba cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 3 triệu đồng.
- 10 giải khuyến khích cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 1 triệu đồng/giải.
Bài dự thi cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" vui lòng gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ngoài bì thư ghi rõ tham gia Cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" (địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc gửi email theo địa chỉ: [email protected].
Mời bạn xem thêm thể lệ .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận