Phóng to |
Các chuyên gia hàng đầu quốc tế về biển Đông tại hội thảo CSIS - Ảnh: Thanh Tuấn |
Thái độ gây hấn và các hành động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông tiếp tục là mối lo ngại lớn nhất của các học giả trong buổi khai mạc hội thảo.
Ông Yuchi Kato của tờ Asahi Shimbun cho biết Nhật Bản rất lo ngại về hành vi của Trung Quốc, đặc biệt sau các va chạm tại đảo Senkaku hồi năm ngoái, khi Trung Quốc sử dụng một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nhật Bản.
“Chúng tôi thấy có sự tương đồng giữa các hành vi ở biển Đông với các hành vi đối xử với Nhật Bản. Điều tích cực chúng tôi thấy là khi có phản ứng từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc sẽ xuống thang. Điều tệ là xuống thang chỉ mang tính chiến thuật, còn họ sẽ tiếp tục lấn tới”.
Trong tuần này, cuộc họp 2+2 giữa Mỹ và Nhật tại Washington D.C lần đầu tiên sẽ ra tuyên bố về quyền tự do đi lại trên biển mà đích chính là với các hành vi ngang ngược trên biển gần đây của Trung Quốc.
Từ Nam Á, chuyên gia Ấn Độ Amer Latif của CSIS lên tiếng về khả năng quyền tự do đi lại của Delhi bị ảnh hưởng. Theo ông Latif, hành vi gây hấn của Trung Quốc có thể không chỉ giới hạn ở biển Đông mà có thể áp dụng ngay đối với Ấn Độ. “Việc chiếm, đóng cửa biển Đông sẽ ảnh hưởng tới quyền đi lại của Ấn Độ và cơ hội hợp tác của Ấn Độ đối với các nước Đông Nam Á”.
Ủng hộ quan điểm tiếp cận đa phương đối với vấn đề, ông Latif lên tiếng về sự cần thiết tham gia của Mỹ đối với biển Đông: “Chúng tôi rất quan tâm đến thái độ của Mỹ với Trung Quốc và biển Đông”. Theo ông, sự tham dự của Mỹ sẽ buộc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm hơn tại vùng biển mà Ấn Độ có nhiều lợi ích chiến lược.
Đại diện của Trung Quốc, giáo sư Su Hao của ĐH Ngoại giao Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng về đường lưỡi bò chín đoạn, nói rằng Trung Quốc có các cơ sở lịch sử. Phía Trung Quốc cũng chỉ trích sự can thiệp của Mỹ, cho rằng tình hình biển Đông nóng lên kể từ sau tuyên bố của bà Hillary tại Hà Nội năm ngoái và “Mỹ nên thấy có lỗi về chuyện này”. Sau phần trình bày này, ông Su Hao là người nhận được nhiều nhất các phản hồi, trong đó phần lớn lên tiếng chỉ trích quan điểm đường chín đoạn và các chính sách của Trung Quốc ở biển Đông.
Ông Termsak Chalermpalanupap, vụ trưởng Vụ Chính trị và an ninh thuộc Ban thư ký ASEAN, đánh giá mọi người thường nói ASEAN chỉ “nói và nói”, còn Trung Quốc thì “vừa nói vừa chiếm”.
“Quan điểm của Trung Quốc là mọi thứ ở biển Đông đều thuộc về họ. Các nước ASEAN đến nay không thể nào đàm phán được với Trung Quốc - ông Termsak Chalermpalanupap nói tiếp - Đề xuất đối thoại ASEAN - Trung Quốc về tuyên bố ứng xử trên biển Đông cho tới nay đã bị Bắc Kinh từ chối tới 20 lần, tôi chỉ hi vọng lần thứ 21 này chúng ta có được cuộc đối thoại”.
Trong lời phát biểu khai mạc hội thảo, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ John Negroponte khẳng định: “Lợi ích chung của các nước quan trọng hơn sự khác biệt giữa các bên”. Về kinh tế, chính trị, Mỹ đang ngày càng hướng tới châu Á. Tháng tới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Indonesia để dự diễn đàn an ninh khu vực ARF. Tháng 11-2011, Tổng thống Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại Indonesia.
Hải quân Việt Nam - Trung Quốc liên hợp tuần tra trên vịnh Bắc bộ Hải quân nhân dân Việt Nam và hải quân Quân giải phóng Trung Quốc đã kết thúc chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 11 trong hai ngày 19 và 20-6. Chuyến liên hợp tuần tra bắt đầu từ 8g (giờ Hà Nội) ngày 19-6. Biên đội tàu hải quân Việt Nam gồm có tàu kỳ hạm HQ375 và tàu kỳ viên HQ376 do đại tá Nguyễn Văn Kiệm, phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân, chỉ huy tuần tra. Phía Trung Quốc đưa đến hai tàu là tàu kỳ hạm mang số hiệu 755 và tàu kỳ viên mang số hiệu 733 do đại tá Lương Sơn Quốc, cán bộ thuộc hạm đội Nam Hải, chỉ huy tuần tra. Hai bên tổ chức quan sát, nắm tình hình trên biển, bảo đảm an ninh trật tự trên biển, giám sát các hoạt động của tàu cá, bảo đảm thực thi theo các hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc bộ và Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ đã được chính phủ hai nước ký kết Đại tá Nguyễn Văn Kiệm, chỉ huy lực lượng tuần tra liên hợp phía Việt Nam, khẳng định các nội dung, hành trình, điểm tuần tra đã được thống nhất, các bên chấp hành nghiêm. Việc tôn trọng các hiệp định đã được ký kết là một trong những yếu tố để thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước, bảo đảm cho sự ổn định và an ninh bền vững trên biển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận