29/06/2022 11:52 GMT+7

'Quận muốn sửa công trình nhỏ như vỉa hè vẫn phải chờ thành phố rót vốn'

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG

TTO - TP.HCM khi thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND tại 16 quận, UBND các quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, gây lúng túng trong điều hành ngân sách ở các cấp.

Quận muốn sửa công trình nhỏ như vỉa hè vẫn phải chờ thành phố rót vốn - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Hồng Hà - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ

Sáng 29-6, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Tại phiên họp, khi bàn về kết quả 1 năm thực hiện chính quyền đô thị tại TP, nhiều ý kiến nêu vấn đề vướng mắc khi không tổ chức HĐND tại 16 quận, UBND các quận từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, gây lúng túng trong điều hành ngân sách ở các cấp.

Ông Lê Đức Thanh - chủ tịch UBND quận 1 - cho rằng quận đang gặp khó khi triển khai các dự án theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ của quận từ nguồn kết dư ngân sách. Hiện nay, nguồn này đã chuyển về cho TP quản lý, muốn thực hiện các công trình, dù rất nhỏ cũng phải chờ TP rót vốn.

"Ngay cả những công trình rất nhỏ như sửa chữa vỉa hè vẫn phải chờ TP rót vốn, quận không chủ động được", ông Thanh nói.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Hà - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cũng nhìn nhận có bất cập. Hiện nay UBND quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách.

Từ đó không còn sự chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng phát sinh đột xuất. 

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay Sở Tài chính phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn. Theo đó, sở này phải thẩm định phướng án tự chủ tài chính cho hơn 960 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 16 quận giai đoạn 2022-2025 cùng nhiều nhiệm vụ khác.

Trước thực trạng này, bà Hà cho biết ngay từ khi triển khai thực hiện chính quyền đô thị, UBND TP đã bố trí gói điều hành chung ngân sách cho 16 quận với 749 tỉ để các quận chủ động chi cho các công việc đột xuất.

Đồng thời giám đốc Sở Tài chính đề nghị các quận rà soát nguồn kết dư ngân sách còn lại tại địa phương (chưa giao về cho TP), xác định chính xác các dự án đầu tư công cần thiết để các sở ngành tham mưu UBND TP bố trí vốn từ chính nguồn kết dư ngân sách này, sau đó mới từ ngân sách đầu tư công của TP.

Tuy nhiên về dài hạn, bà Hà cho biết Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP báo cáo Bộ Tài chính có cơ chế đảm bảo sự chủ động trong điều hành ngân sách cho các quận.

Theo đó, TP đề xuất cơ chế đặc thù cho 16 quận của TP được dự phòng ngân sách. Đồng thời sẽ tham mưu bổ sung, sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương theo hướng đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu thực tế của mỗi địa phương trong cả nước.

Chính quyền đô thị cần được trao quyền mạnh mẽ hơn Chính quyền đô thị cần được trao quyền mạnh mẽ hơn

TTO - ‘Cần sớm tổng kết thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Đánh giá cơ chế chính sách có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ. Yêu cầu phân cấp, trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho chính quyền các đô thị...'.

THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp